350 trẻ em khuyết tật tham dự ngày hội thể thao thân thiện tại Huế
- Dược liệu
- 12:33 - 02/04/2023
Ngày hội thể thao thân thiện cho thanh thiếu niên và trẻ KTTT và KTPT 2023 do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp tổ chức trong hai ngày 1-2/4. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Dự án Hoà nhập).
Ngày hội thể thao thân thiện được tổ chức với sự tham gia của 350 trẻ em và thanh thiếu niên có KTTT, KTPT, cùng khoảng 400 người chăm sóc và giáo viên, đăng ký thông qua 43 đoàn thi đấu từ 18 tỉnh, thành trên cả nước. Hơn 150 tình nguyện viên từ các trường đại học và các trung tâm - đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia hỗ trợ tổ chức sự kiện.
Các hoạt động chính của Ngày hội được thiết kế nhằm giúp các trẻ em và thanh thiếu niên có KTTT, KTPT được tham gia, được thể hiện và phát huy tối đa khả năng của mình thông qua các môn thể thao đa dạng, như: Bơi, chạy, đi bộ, đẩy xe lăn, kéo co; sân chơi chung với các trò chơi vận động tự do và góc sáng tạo. Trong khuôn khổ Ngày hội còn có Đêm Gala giao lưu âm nhạc và sự kiện Thắp đèn xanh (Light It Up Blue) vào tối 1/4 nhằm hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ 2/4.
Ông Đoàn Quốc Hùng - Phó Trưởng BQL dự án hoà nhập cấp Trung ương, khẳng định, Việt Nam xác định trẻ em khuyết tật là nhóm trẻ cần được chăm sóc nhiều hơn để thực hiện đầy đủ các quyền con người và xoá bỏ sự chênh lệch. Theo ông Hùng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới giáo dục thể chất cho trẻ khuyết tật. Một sức khoẻ tốt sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển tất cả những phương diện khác của trẻ, đồng thời rèn luyện tính kỷ luật, sức chịu đựng, sự kiên trì, lòng tự tin và quan trọng là có sức khoẻ thế chất cũng như tinh thần tốt.
“Ngày hội thể thao thân thiện cho trẻ KTTT và KTPT hôm nay chính là cầu nối giúp các em có thể nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Thông qua những hoạt động vui chơi thể thao bổ ích giành cho các em, chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn sân chơi thể thao lành mạnh cho các bé. Hiện, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện khung chính sách ưu tiên trẻ em tàn tật, xây dựng các biện pháp hỗ trợ, khuyết khích đặc biệt, đảm bảo trẻ em được tham gia tập thể dục và hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, việc tổ chức sự kiện mong thu hút sự chú ý và thúc đẩy sự tham gia của nhóm tư nhân trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và tạo ra các giá trị chung trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kỹ năng cho các nhóm yếu thế”, ông Hùng chia sẻ.
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thêm một lần nữa khẳng định, những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặc biệt là trợ giúp đối với người khuyết tật đã góp phần giúp đỡ, hỗ trợ cho người khuyết tật hòa nhập xã hội, ổn định được phần nào cuộc sống, giảm bớt những khó khăn vất vả trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay có khoảng 29 ngàn người khuyết tật, trong đó có hơn 2.500 người KTTT và hơn 100 trẻ em KTPT. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 26 ngàn người khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội và trợ giúp xã hội, trong đó khoảng 11.700 trẻ em và người cao tuổi đang hưởng các chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng. Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và xã hội hóa, công tác chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật được duy trì thường xuyên như trợ cấp trực tiếp hàng tháng, mở rộng dịch vụ xã hội, hỗ trợ hòa nhập xã hội, tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần, đào tạo kỹ năng... đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật.
Được biết, dự án Hoà nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, dưới sự quản lý của Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) trực thuộc Bộ Quốc phòng. CCIHP là cơ quan quản lý tài trợ, đồng thời trực tiếp triển khai các dịch vụ hỗ trợ trẻ em có KTTT, KTPT tại 3 tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam), gọi tắt là Dự án Hòa nhập 1.