THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Nâng bước ước mơ của trẻ khuyết tật

Hành trình khơi dậy đam mê cho các em

Trẻ khiếm thính gặp khó khăn trong giao tiếp, thể hiện tình cảm cũng như rất khó kiếm việc làm để ổn định thu nhập nên cánh cửa hoà nhập cộng đồng vì thế rất khó khăn. Trong nhiều năm qua, Vũ Ngọc Duy và những đồng nghiệp của mình luôn đồng hành, hỗ trợ các em từ những ngày đầu tiên học nghề cắt tóc. Với người bình thường, học được một nghề thuần thục để kiếm sống cũng không phải ai cũng làm được. Với những người khuyết tật, việc học để có một nghề kiếm sống càng khó khăn gấp bội. Đòi hỏi người học phải cố gắng hết sức và người dạy phải tận tụy, hết lòng với học viên.

Vũ Ngọc Duy vừa thao tác vừa hướng dẫn cặn kẽ học trò các kỹ thuật cắt tóc tại salon của mình.

Vũ Ngọc Duy vừa thao tác vừa hướng dẫn cặn kẽ học trò các kỹ thuật cắt tóc tại salon của mình.

Năm 2011, Duy cùng những thành viên trong nhóm của mình bắt đầu đến Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh để cắt tóc miễn phí, dạy các em kỹ năng gội đầu, cắt tóc. Mỗi tháng đôi ba lần, thường vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, khi salon vắng khách, Duy lại cùng Nhóm salon tóc Hạ Long vào cắt tóc miễn phí, luyện tay kéo vừa để hướng dẫn những em mê nghề cắt tóc.

Từ đó, chàng trai này đã nung nấu ý nghĩ phải thành lập được một lớp học thiện nguyện để các em say mê có nơi thực tập, hướng nghiệp. Tháng 12/2019, từ tấm lòng của thành viên nhóm và các nhà hảo tâm, một lớp học với khá đầy đủ trang thiết bị như một salon phục vụ việc học đã được đặt ngay tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh. Tổng trị giá khoảng 25 triệu đồng do nhóm và các nhà hảo tâm do Duy kêu gọi tài trợ trên mạng. Lớp học cắt tóc với phòng học đầy đủ thiết bị của một salon tóc như thật với những "người thầy đặc biệt” như Duy đã khơi dậy đam mê, nâng bước giấc mơ của các em nhỏ thiệt thòi.

Không chỉ giúp học nghề mà Duy còn tạo điều kiện cho các em có được công việc để khẳng định bản thân mình, hòa nhập cùng xã hội. Sau thời gian học tập tại trung tâm, một số bạn học sinh có năng khiếu, nắm được kỹ thuật được những salon trong Nhóm nhận vào làm việc chính thức. Tại đây, các em được hỗ trợ khoản thu nhập xứng đáng. Khi các em đã thành thạo, Nhóm tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng theo đúng sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình.

Sơn và Phong - 2 trong số những bạn nhỏ khuyết tật ngày nào còn vụng về đưa từng đường kéo thì nay đã có thể tự tin đứng cắt tóc cho khách. Đây là 2 học trò khiếm thính, có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Sơn và Phong đều mơ ước trở thành thợ cắt tóc giỏi và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề. Phong hiện đã thành thạo kỹ thuật cơ bản, có thể cắt được những kiểu đầu đơn giản hoặc phụ cắt tóc. Còn Sơn sau chừng 4-5 tháng đào tạo, tay nghề đã cải thiện khá nhiều, hiện nắm được một số kỹ thuật cắt tóc khó, kỹ thuật nhuộm tóc... Các em đều đã có thu nhập để lo một phần ăn ở, đi lại...

Giúp các em tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình

Salon tóc Duy Anh của Vũ Ngọc Duy nằm đầu con dốc Giao thông (phường Hà Trung, TP Hạ Long), rộng chừng 25-30m2 là nơi Sơn và Phong theo học nghề làm tóc. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, salon tóc của Duy vắng hẳn nhưng “lớp học đặc biệt” này vẫn không dừng học. Nhiều năm nay, Duy cùng nhóm salon tóc Hạ Long đã đồng hành với các em có hoàn cảnh đặc biệt và cũng là “kiến trúc sư” tổ chức cắt tóc từ thiện và hướng nghiệp nghề cắt tóc cho trẻ khiếm thính tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (nay là Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh).

Vũ Ngọc Duy vừa thao tác vừa hướng dẫn cặn kẽ học trò các kỹ thuật cắt tóc tại salon của mình.

Vũ Ngọc Duy vừa thao tác vừa hướng dẫn cặn kẽ học trò các kỹ thuật cắt tóc tại salon của mình.

Duy cho biết, bản thân Duy từ nhỏ đã sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nên hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của các em nhỏ kém may mắn, với các em bị khuyết tật thì càng thiệt thòi. Chỉ có cách duy nhất là giúp các em có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó các em mới tự tin làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và có thể quay lại giúp đỡ những người kém may mắn…

Duy luôn tâm niệm: “Cách giúp tốt nhất là dạy các em một nghề ổn định và tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình”.

Năm 2011 bắt đầu khởi nghiệp với nghề cắt tóc cũng là ngần đó năm Duy và các đồng nghiệp của mình luôn gắn bó với các em nhỏ khuyết tật. Nhưng khi dạy các em mới thấy gian nan. “Dạy những học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, khiếm thính lại càng khó khăn gấp bội. Với những trẻ khiếm thính, việc giao tiếp phải dùng ngôn ngữ kí hiệu. Vì thế để các em hiểu, tôi đã phải tự học một số ký hiệu của học sinh khiếm thính, trao đổi bằng giấy, thậm chí sắm riêng hẳn 1 bảng điện tử để thầy trò trao đổi”, Duy kể về hành trình thầy trò đồng hành cũng nhau.

Dù cho là những đường cắt cơ bản hay những kỹ thuật cắt, nhuộm khó, Duy cũng đều phải dành thời gian gấp đôi người bình thường để hướng dẫn các em, chỉ dạy tỉ mỉ từng đường kéo, kỹ thuật. Nhìn cách hướng dẫn những cậu học trò nhỏ mới thấy được tình cảm mà “người thầy đặc biệt” này dành cho những học trò của mình.

“Trao cần câu hơn trao xâu cá”, câu nói này đúng trong mọi hoàn cảnh nhưng với các em nhỏ khuyết tật, việc được “trao cần câu” càng có ý nghĩa gấp bội. Có việc làm, các em sẽ có thu nhập, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ đó, các em không còn tự ti mà tự tin hòa nhập cộng đồng.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh