CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Mái ấm tình thương của trẻ khuyết tật Bắc Giang

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, Cơ sở BTXHTH BG có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh. Cơ sở đang nuôi dưỡng gần 200 đối tượng, gồm: Người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, chủ yếu là trẻ câm điếc, mồ côi bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS…

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ khuyết tật ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ khuyết tật ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang

Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở BTXHTH BG cho biết, hơn 20 năm qua, Cơ sở đã chăm sóc và nuôi dưỡng gần 1.500 lượt trẻ em. Nhiều em đã tiến bộ và trưởng thành. Nổi bật là em Lê Văn Hưng (sinh năm 2000, tại Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang) có hoàn cảnh hết sức khó khăn, mẹ là đối tượng bảo trợ xã hội, không biết bố em là ai. Em Hưng bị tật về mắt, thị lực 3/10. Năm 2006, em được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại Làng trẻ em tật nguyền (nay là cơ sở 2 - Cơ sở BTXHTH BG). Từ một cậu bé mắt kém, chưa biết đọc, biết viết, sau 10 năm,  Hưng đã đọc thông viết thạo. Đặc biệt trong suốt những năm ở Cơ sở, em luôn là cây văn nghệ với giọng hát ấm áp, truyền cảm. Trở về nhà, bằng nghị lực, em đã đứng ra mở quán tẩm quất mát xa tại phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), tạo công ăn việc làm cho 4 nhân viên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Em là tấm gương điển hình cho những người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, khẳng định được vai trò của mình trong xã hội. Sự trưởng thành của em cũng là nguồn động viên vô giá với các cán bộ cơ sở.

Ông Vinh cho hay, việc chăm sóc, nuôi dạy các em rất khó khăn. Song kiên định với suy nghĩ dạy học sinh khuyết tật thì điều quan trọng nhất là phải có tâm với nghề, các cán bộ cơ sở đã nuôi dạy các em bằng tất cả tình thương yêu. “Giống như những dạng khuyết tật khác ở trẻ em, trẻ khiếm thính rất nhạy cảm, tiếp xúc với các em cần có sự kiên nhẫn và yêu thương. Không chỉ giúp trẻ học ngôn ngữ, chúng tôi còn chú trọng tất cả các mặt phát triển của trẻ như: Thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu thực hành từng bước, tùy theo khả năng của mỗi trẻ, các em có thể hòa nhập xã hội tốt hơn”, ông Vinh chia sẻ.

Nhiều em khi ở với gia đình phụ thuộc người phục vụ, sau một thời gian ở cơ sở được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản, các em đã có thể tự lập trong sinh hoạt hàng ngày. Ở tập thể, các em được giáo dục tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ các bạn cùng tiến bộ. Chính sự đồng cảm đã rút ngắn khoảng cách giữa cô và trẻ, giữa trẻ với nhau khiến trẻ có môi trường thân thiện như gia đình thứ hai của mình. Các cô không chỉ là cô giáo mà còn như mẹ hiền, chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ mong phần nào bù đắp bởi các em không chỉ khiếm khuyết về thể chất mà mỗi em lại có hoàn cảnh éo le riêng. Bằng tấm lòng yêu thương, các cô đã tạo động lực, gieo niềm tin cho trẻ thấy việc học là cần thiết và ý nghĩa.

Giám đốc Vinh cho biết: “Chúng tôi luôn tìm tòi, đưa ra cải tiến linh hoạt phương pháp giảng dạy giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ bài; đầu tư hệ thống tranh ảnh, bảng hướng dẫn, lắp tivi ở các phòng học, phòng ở giúp các em giải trí đồng thời tiếp cận được những thông tin xã hội bên ngoài. Mặc dù chưa có chương trình cho trẻ khuyết tật thống nhất trên cả nước nhưng các giáo viên đã tích cực học hỏi, tìm tòi, tự xây dựng khung chương trình phù hợp với trình độ thực tế nhận thức của từng nhóm đối tượng, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản”.

Cơ sở thực sự là ngôi nhà lớn đầy tình yêu thương và tin tưởng, là chỗ dựa vững chắc cho các trẻ. Với bề dày thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác, Cơ sở đã được Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Bắc Giang tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

Việt Cường

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh