Thái Nguyên: 100% trẻ em bị ảnh hưởng HIV được đi học theo nhu cầu
- Dược liệu
- 12:43 - 21/10/2016
88% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV được cung cấp 2 dịch vụ trở lên
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 118 trẻ có HIV/AIDS; 812 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV; 157 em mồ côi do bố và mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS và có 655 trẻ em sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV. Cũng theo số liệu thống kê, hiện Thái Nguyên có 1.230 trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV; Trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy: 918; 740 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ nghèo; Số trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ cận nghèo là 312.
Giờ học chữ của trẻ mồ côi và trẻ có HIV, tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được giúp cho trẻ được hưởng các gói dịch vụ về: Dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ củng cố về kinh tế, tiếp cận với các chính sách. Năm 2015, có 86,16% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp từ 2 đến 5 dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi, giải trí và các chính sách xã hội theo quy định, dự kiến năm 2016 đạt 88%.
Các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ nhiễm HIV đã được tập huấn, cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhiều trẻ em bị nhiễm HIV được hòa nhập với bạn bè, được tham gia các hoạt động của lớp, của trường. Vấn đề kỳ thị, xa lánh của người thân, bạn bè, hàng xóm đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV đã không còn nặng nề như trước. 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
Kết nối dịch vụ để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV
Việc triển khai xây dựng các mô hình “Kết nối dịch vụ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” được triển khai tại cộng đồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm được sự phân biệt đối xử, kỳ thị với trẻ em bị nhiễm HIV. 100% trẻ em bị ảnh hưởng đã được lập danh sách quản lý trường hợp, đánh giá nhu cầu kết nối dịch vụ. Đội ngũ cộng tác viên được tập huấn qua các năm đã nâng cao năng lực làm việc, kỹ năng tuyên truyền.
Thực hiện các chính sách và các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Đến thời điểm hiện tại có 490 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 136. Hình thành mạng lưới kết nối dịch vụ ở những xã triển khai mô hình. Tổ chức tập huấn giới thiệu mạng lưới chuyển tuyến dịch vụ thông qua 14 lớp tuyên truyền. Tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho 220 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn; mức hỗ trợ 400.000đồng hoặc 500.000đồng/trẻ.
Năm 2011, được sự quan tâm của tổ chức CRS, Sở LĐ – TB&XH Thái Nguyên đã triển khai mô hình “Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tại 2 xã Linh Sơn, Minh Lập huyện Đồng Hỷ”, năm 2014 mở rộng thêm 3 xã, thị trấn triển khai mô hình, gồm: Hồng Tiến, Đắc Sơn, TT Bãi Bông của thị xã Phổ Yên.
Tại các địa phương triển khai mô hình “Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” đã thành lập Ban điều hành ở 3 cấp tỉnh, huyện xã và mạng lưới cộng tác viên tại các xóm. Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ cho trẻ từ cấp tỉnh đến cơ sở (2 xã thuộc huyện Đồng Hỷ). Tổ chức khảo sát, đánh giá ban đầu đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và kết nối mạng lưới chuyển gửi tại 2 xã mở rộng mô hình của thị xã Phổ Yên. Đặc biệt, mô hình đã kết nối dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho đối tượng.
Để đạt được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đối với công tác Bảo vệ, chăm có trẻ em trong toàn tỉnh. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong triển khai thực hiện kế hoạch. Thành lập được ban điều hành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đối với những xã triển khai mô hình nên công tác điều hành, xử lý và chỉ đạo được kịp thời. Đội ngũ cộng tác viên được kiện toàn ở tất cả các xóm, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh, nhiệt tình, có kinh nghiệm, thường xuyên được tập huấn nên các hoạt động của kế hoạch được triển khai thuận lợi.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS là chính là do đặc điểm Thái Nguyên là tỉnh có số người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS tương đối cao (xếp thứ 4 trong toàn quốc) nên số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận. Một số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS do gia đình sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không cung cấp thông tin và nhận sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV tương đối cao, nên việc cung cấp các dịch vụ và trợ giúp cho trẻ đôi khi không đáp ứng được với nhu cầu.