Y học thể thao Vinmec đánh dấu sự trở lại sân cỏ của Thái Thị Thảo và Chương Thị Kiều
- Văn hóa - Giải trí
- 18:09 - 27/07/2023
“Khám bệnh trong nước, tiêu chuẩn quốc tế”
Cho tới nay, việc hồi phục 100% sau chấn thương nặng như đứt dây chằng, rách sụn chêm là điều mà không phải vận động viên (VĐV) nào cũng làm được. Trên thế giới, đã có những cầu thủ trở lại mạnh mẽ sau chấn thương như Del Piero, Roy Keane, hay Zlatan Ibrahimovic và cũng còn những cầu thủ khác đã không thể trở lại là chính mình như Michael Owen, Marco Reus, Paul Pogba, Federico Chiesa …
Một thực trạng với Y học thể thao Việt Nam là nhiều cầu thủ trước đây và hiện tại vẫn chọn ra nước ngoài khi gặp chấn thương. Đây là một trong những lựa chọn tốt cho cầu thủ khi quy trình chăm sóc và tập luyện chuyên nghiệp, được chuẩn hóa. Tuy nhiên, việc ra nước ngoài điều trị còn nhiều rào cản như chi phí rất cao, bất đồng về ngôn ngữ, hạn chế về thời gian lưu trú, khó khăn trong việc trao đổi và phối hợp liên tục với phẫu thuật viên. Không nhiều CLB ở Việt Nam đủ tiềm lực để theo được quá trình điều trị này.
Ngoài ra, tâm lý của các cầu thủ khi phải xa nhà trong thời gian dài cũng là 1 vấn đề lớn, có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị. Với sự đầu tư mạnh mẽ của Hệ thống y tế Vinmec vào lĩnh vực Y học thể thao thời gian qua, các cầu thủ đã có thêm 1 sự lựa chọn điều trị trong nước với tiêu chuẩn chuyên môn không thua kém các nước phát triển trong khu vực.
Đội ngũ chuyên gia của Vinmec được đào tạo ở các nước có nền Y học thể thao phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar… cập nhật những kỹ thuật phẫu thuật, quy trình tập luyện cá thể hóa, chăm sóc dinh dưỡng và tâm lý… Các VĐV được điều trị theo những tiêu chuẩn cao nhất với chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc ra nước ngoài, đồng thời có gia đình, người thân đồng hành trong quá trình điều trị làm chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần.
Mục tiêu trở lại… ngay tại thời điểm điều trị
Ở VĐV chuyên nghiệp, yêu cầu về hoạt động thể chất phải đạt tối đa, vượt rất xa ngưỡng vận động của người bình thường. Do đó, với các VĐV, ekip điều trị phải tính toán chi tiết lượng calo trong từng bữa ăn, từng bài tập cho mỗi ngày, tính toán thời điểm quay trở lại tập luyện cùng đội cũng như tham vấn chuyên gia tâm lý để giúp các bạn có tinh thần tốt nhất trong quá trình điều trị.
Với những trường hợp cần phẫu thuật, ekip cũng phải lên kế hoạch phẫu thuật trước nhiều ngày, sử dụng những phương pháp có độ chính xác cao nhất như ánh xạ giải phẫu để mang lại kết quả tốt nhất, làm tiền đề cho việc tập luyện phục hồi sau phẫu thuật.
Nhớ lại cách đây chưa đầy 1 năm, Thái Thị Thảo và Chương Thị Kiều đã trải qua phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước và khâu sụn chêm, Ths.BS Hồ Ngọc Minh - Trung Tâm Y học thể thao Vinmec (Tập đoàn Vingroup) cho biết, từ trước tới nay, không chỉ các cầu thủ nữ mà các VĐV Việt Nam nói chung đều chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe tương xứng so với cường độ tập luyện, thi đấu. Điều này dẫn tới điểm chung là các VĐV gặp rất nhiều chấn thương ở nhiều vị trí, lặp đi lặp lại và không được điều trị triệt để dẫn tới trở thành mạn tính.
Đa phần các cầu thủ hiểu được mức độ nghiêm trọng của chấn thương nhưng không có điều kiện được chăm sóc cũng như áp lực về thành tích thi đấu của cá nhân, của CLB cũng như đội tuyển khiến các VĐV vẫn tiếp tục ép bản thân phải tập luyện và thi đấu. Điều này khiến chấn thương càng trở nên trầm trọng, khi tới điều trị thường là khi VĐV đã tới giới hạn chịu đựng, không thể cố gắng thêm được nữa. Đây là vấn đề nan giải với đội ngũ y tế và thực sự cần có sự giúp đỡ, phối hợp của nhiều phía để có thể khắc phục được tình trạng này trong tương lai.
“Với trường hợp của Thái Thị Thảo hay Chương Thị Kiều, ê-kíp đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng và làm những gì tốt nhất có thể về mặt chuyên môn với mục tiêu đưa các bạn trở lại an toàn nhất, sớm nhất, kịp tham dự kỳ World Cup lịch sử của bóng đá nữ. Ngoài ra để ổn định tâm lý cho các cầu thủ, đôi khi chúng tôi cũng phải phải cách ly các bạn với truyền thông để giúp các bạn chuyên tâm vào quá trình điều trị. Bởi sự kỳ vọng của người hâm mộ vừa là động lực nhưng cũng là áp lực rất lớn đối với tâm lý của các cầu thủ trong quá trình hồi phục”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Vinmec đã và đang chứng minh được năng lực trong việc thăm khám, đánh giá sức khỏe toàn diện cho cầu thủ theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FIFA trước một giải đấu lớn như World Cup. Đặc biệt, năng lực điều trị những chấn thương phức tạp nhất trong lĩnh vực thể thao. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Vinmec kỳ vọng sớm trở thành trung tâm Y học thể thao đạt tiêu chuẩn FIFA (FIFA Medical Centre of Excellence) - hiện nay ở châu Á mới chỉ có 5 trung tâm đạt tiêu chuẩn này – trong tương lai.
Thái Thị Thảo là tiền vệ trụ cột của CLB Hà Nội I và Đội tuyển nữ Việt Nam. Sau khi trở về từ hành trình giành vé dự World Cup 2023. Trong quá trình chuẩn bị cho Sea Games 31 tại Việt Nam, nữ VĐV không may gặp chấn thương và được chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm vào tháng 5/2022.
Chương Thị Kiều hiện đang thi đấu ở vị trí trung vệ cho CLB Thành phố Hồ Chí Minh I cũng như Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Chương Thị Kiều trước đó đã cùng đội tuyển quốc gia lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup 2023. Tháng 9/2022, sau nhiều năm ‘nén đau” thi đấu, nữ VĐV đã “gục ngã” với chấn thương phức tạp cả hai chân và quyết định thực hiện ca mổ lịch sử lần đầu tiên tại Việt Nam. Cô đã được tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm gối phải và tái tạo dây chằng chéo trước gối trái trong cùng 1 cuộc phẫu thuật.
Cả hai VĐV cùng ê-kíp đều đặt mục tiêu cao nhất trở lại với bóng đá và cùng đến World Cup ngay tại thời điểm quyết định điều trị Bệnh viện ĐKQT Vinmec.