THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Xúc động chùm ảnh cả phường quây quần nấu cơm cho người nghèo

 

Cứ đều đặn các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần, những bà nội trợ lại họp mặt nhau tại đình An Phú (Phường An Phú, Quận 2, TP HCM) cùng thổi lửa nấu cơm.


Bếp cơm nghĩa tình này mới bắt đầu hoạt động từ ngày 25-3 với mong muốn giúp đỡ cho các hộ dân nghèo trên địa bàn phường có được bữa cơm ngon

 

Ban đầu, không có mặt bằng để xây dựng bếp ăn nên phường đã xin phép được tổ chức ở khu bếp của đình An Phú. Thấy không gian chưa thể đáp ứng nên phường vận động một khoản tiền để xây lại thành căn bếp khang trang như hiện giờ, sắm thêm những vật dụng cần thiết để nấu nướng.

Bếp ăn được duy trì là nhờ tấm lòng của mọi người trong chi bộ khu phố, ở phường cũng như các mạnh thường quân, sự quan tâm của quận… Người góp công, người góp của,  thực phẩm đều được các chị đích thân chọn mua tại siêu thị mang về. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu mà các chị đặt ra. 


Lò điện nấu cơm này là do quận hỗ trợ để động viên tinh thần chị em

Từ nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau, mọi người đều có thể cùng đến tham gia.


Cứ đến thứ hai, tư, sáu hàng tuần,  các chị lại tụ họp để nấu 130-140 suất cơm cho người lao động nghèo trên địa bàn phường


Chị Phạm Thị Tuyết Mai (phải) thường trực MTTQ phường An Phú đến phụ giúp mọi người)

 

Thực đơn mỗi ngày đều được các chị viết lên tấm bảng trắng treo trước cửa bếp. Ngày thì cá sốt cà, canh cải kèm đồ xào; có ngày là thịt kho, rau luộc, canh chua... Bếp ăn có mười người phụ nhau nấu, không chỉ là các chị em nội trợ mà nhiều cán bộ phường cũng tham gia.


Chia cơm vào từng phần để tiện phát cho mọi người

Với mong muốn mang lại những bữa cơm ngon cho người lao động nghèo, các chị luôn chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm và nhắc nhở nhau khi người khác quên. Trong quá trình nấu, dù một cọng rác rớt xuống nền nhà, cơm rơi vãi trên sàn các chị cũng dọn sạch ngay, rửa tay thật sạch rồi mới làm tiếp.


Mọi người đeo bao tay để chế biến thức ăn để đảm bảo vệ sinh  

“Nấu cho người ta ăn thì phải đảm bảo sức khỏe cho họ chứ không thể ẩu tả được. Đã làm thì phải làm cho sạch sẽ và có cái tâm”- chị Nguyễn Thị Mai Quỳnh (người nấu chính của bếp ăn) luôn nhắc nhở mọi người. 


Chị Nguyễn Thị Bích Loan (trái) cho biết chị rất vui vì  giúp đỡ được nhiều người

Với tất cả mọi người đến nhận cơm, ai có hoàn cảnh như thế nào các chị đều nắm rõ. Dù chưa tới giờ nhận cơm, ông Tăng Văn Nghĩa đã đến ngồi chờ dưới gốc cây trước cửa đình. Nhìn ông, chị Phạm Thị Tuyết Mai kể ông Nghĩa có người vợ bị té ngã, gãy đốt sống lưng nên không đi lại được. Hai vợ chồng già không có con nương nhờ vào xấp vé số của ông nhưng cũng không trang trải được bao nhiêu.

“Từ hôm đến đây nhận cơm, tui không phải tốn tiền ăn nữa. Sáng chịu khó nhịn chút, cơm trưa với cơm tối có mấy cô ở đây lo rồi. Nhờ vậy mà tôi tiết kiệm để mua thuốc thêm cho bà nhà”, ông Nghĩa chia sẻ.


Từ ngày đến đây nhận cơm miễn phí, chú Tăng Văn Nghĩa tâm sự đã tiết kiệm được khoản tiền để lo chi phí chữa bệnh cho người vợ đau ốm ở nhà


Chị Thanh Phụng vui vẻ nhận 4 phần cơm

Một hoàn cảnh khác là chị Thanh Phụng. Chị nói: “Cả gia đình tôi nhận đến bốn suất cơm mỗi ngày, nhiều khi thấy tủi cực lắm nhưng mấy chị ở đây lại rất dễ thương, thấy tôi đến là hỏi han chuyện nhà cửa rồi dặn dò đủ thứ nên tôi không còn cảm giác tủi thân nữa. Họ bỏ thời gian để nấu cho mình bữa cơm ngon như vậy thì còn gì bằng". 

Không chỉ phục vụ cơm tại đình, mọi người còn phân công người mang cơm đến cho các cụ già, neo đơn trên địa bàn phường. 

Đều đặn mỗi sáng thứ hai, tư, sáu, cứ khoảng 10 giờ 30 phút anh Võ Văn Giàu (thuộc tổ bảo vệ dân phố Khu phố 1, Phường An Phú, Quận 2, TP HCM) lại đánh xe từ chỗ làm về đình An Phú để nhận cơm đi giao cho các cụ.  Bao nhiêu suất cơm nóng hổi được trao tận tay là bấy nhiêu tình cảm mà mọi người dành cho các cụ ở tuổi xế chiều.

Cụ ông Trần Văn Tuồng tâm sự, hai vợ chồng cụ đều đã già, lại không có con nên việc ăn uống, sinh hoạt rất khó khăn. “Bà nhà tôi ốm đau liên miên chỉ nằm một chỗ, tôi cũng già yếu nên đi lại cực lắm. Gần một tháng nay, nhờ những phần cơm của mọi người mà tôi đỡ phải chống gậy đi mua cơm. Đỡ đần được nhiều thứ”- cụ Tuồng chia sẻ.


Anh Võ Văn Giàu mang cơm đến nhà cho cụ Tuồng

10 giờ 30 phút, sân đình tấp nập người ra vào nhận cơm. Căn bếp nhỏ rộn ràng tiếng gọi nhau í ới để phát cơm cho bà con. Vậy là có thêm bao đời cơ cực ấm lòng mát dạ…


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh