THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Người nghèo là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp

 

Doanh nghiệp trách nhiệm xã hội không chỉ tham gia làm từ thiện

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững là một lời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục vai trò trong hành trình tiến tới một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn.

Năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Hiện tại, 70 doanh nghiệp đã tham gia Hội đồng này và là những tấm gương sáng, tiên phong trong việc triển khai các sáng kiến về phát triển bền vững tại Việt Nam.

 

Các chuyên gia trao đổi về kinh nghiệm doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

 

“Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ tham gia làm từ thiện mà doanh nghiệp đó phải là mô hình kinh doanh tốt không chỉ về thương mại mà tạo nhiều lợi ích về xã hội và môi trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai cung cấp mã số xanh cho nông hộ Việt Nam để đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá, hay các sản phẩm của người nông dân không có thương hiệu để xuất khẩu. Hiện đã có 3000 mã số xanh được cấp phát cho các nông hộ tại Việt Nam. 17 mục tiêu phát triển bền vững không phải xa lạ mà tất cả các doanh nghiệp có thể hợp tác, tham gia để tăng năng lực cạnh tranh, hình ảnh, năng suất lên và doanh nghiệp được công nhận là công dân tốt trong xã hội. Đây là chính là thương hiệu, là điều mà không tiền bạc nào có thể mua được”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, các mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt phù hợp đối với các vấn đề phức tạp mà các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam gặp phải. Phạm vi và phương pháp thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững đưa ra đòi hỏi các mục tiêu phải trở thành trách nhiệm của tất cả mọi người, cùng nhau hợp tác xây dựng các giải pháp và mang lại kết quả. Để tránh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí ngày càng lớn hơn do biến đổi khí hậu gây ra. Điều đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam của Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp cũng như lâm nghiệp và thủy sản. Do vậy, việc thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải tham gia trực tiếp để thực hiện làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tiêu dùng bền vững, sự thịnh vượng và nền kinh tế phát triển thải cácbon thấp.

Các đại biểu thể hiện những vấn đề cần quan tâm tại diễn đàn.

 

Xóa đói, xóa nghèo là cơ hội để doanh nghiệp phát triển

Việt Nam hiện đang là quốc gia có thu nhập trung bình. Mặc dù, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhưng để thực hiện 2 mục tiêu trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững là xóa đói, xóa nghèo vẫn đang là thách thức lớn của chính phủ cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Câu hỏi được đặt ra, vậy thực hiện mục tiêu xóa đói, xóa nghèo là cơ hội hay thách thức cho các doanh nghiệp? Theo các chuyên gia đến từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn khá cao, đặc biệt tại khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số. Qua khảo sát của các chuyên gia UNDP, người nghèo và cận nghèo ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận các dịch vụ để cải thiện cuộc sống. Vì thế, đây chính là cơ hội, là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp chưa được khai thác. Doanh nghiệp không chỉ tham gia làm từ thiện cùng chính phủ mà doanh nghiệp tham gia kinh doanh. Đây cũng là một cách maketting hiệu quả và ít tốn kém nhất.

 

Người nghèo là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp.

 

Hàng triệu người thu nhập thấp đang là khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác. Hiển nhiên, người nghèo không có nhiều tiền, họ không có đủ năng lực tài chính để mua những món hàng đắt tiền như hàng hóa bán cho người có thu nhập trung bình và giàu. doanh nghiệp cần phải cân nhắc sản xuất mặt hàng gì để bán cho người nghèo trong điều kiện hàng hóa phải rẻ. Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần đổi mới công nghệ để sản xuất hàng hóa giá rẻ, chất lượng cao để phục vụ người nghèo, thay vì tư duy cũ: Tiền ít đồng nghĩa với hàng hóa kém chất lượng.

“Không cần đánh đổi sự thành công của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, hướng tới phát trển bền vững… mà các mục tiêu có thể cùng phối hợp thực hiện. Thực hiện mục tiêu xóa đói, xóa nghèo, doanh nghiệp phải biết biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mà không cần phải tốn kém”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh