THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:58

Tiếp sức cho người nghèo trồng cam

 

 Được mùa cam ở Hương Sơn

Giám đốc HTX Dịch vụ trồng cam Lâm Đồng (xã Sơn Lâm) Nguyễn Hữu Tạo nhớ lại: “Cách đây hàng chục năm, sau những đợt tham quan ở Sơn Trường, Sơn Mai, một số hộ mang cam giống về trồng nhưng do không có kỹ thuật nên cây chết dần. Người trồng nản chí, vườn tược cỏ dại mọc um tùm. Mãi đến tháng 11/2015, nghề trồng cam mới khởi động lại khi có sự vào cuộc của SRDP.Ngoài hỗ trợ hộ nghèo có vốn trồng cam, dự án còn giúp các địa phương “phủ sóng” mô hình kinh tế HTX theo chủ trương của tỉnh. Việc hỗ trợ kỹ thuật, mua cây giống của HTX cũng thuận lợi hơn nhiều. Đặc biệt, các hộ nghèo được ưu tiên nguồn vốn để triển khai trước nên rất thuận lợi”.

Được SRDP hỗ trợ 213 triệu đồng, 13 thành viên đã trồng mới 3.000 gốc cam giống trên diện tích 10 ha, chủ yếu là giống V2 (cam chanh nhập từ Viện Cây ăn quả Trung ương) và cam bù chiết ở Sơn Mai, Sơn Trường. Dự kiến, năm 2016, HTX tiếp tục trồng thêm 1.000 gốc.Sơn Lâm là đơn vị thứ 3 được hưởng lợi dự án SRDP. Trước đó, Tổ hợp tác Chăn nuôi hươu, Trồng cam Trà Sơn (Sơn Phúc) với 7 thành viên được hỗ trợ hơn 205 triệu đồng; Tổ hợp tác Đông Hà (Sơn Quang) với 5 thành viên được hỗ trợ 217 triệu đồng. Đây là toàn bộ số tiền hỗ trợ từ “Dự án cải tạo đất và hệ thống nước tưới thích ứng với biến đổi khí hậu” trên địa bàn huyện Hương Sơn, trong đó, SRDP đóng góp gần 50% để mua cam giống, máy bơm nước, ống dẫn nước, máy phát điện và phân bón. Mặc dù mới triển khai gần 1 năm và thời gian trồng cũng khác nhau nhưng nhờ được tập huấn kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình nên cam đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Dự kiến, hơn 3 năm nữa, tại 3 xã sẽ cho thu hoạch 30-50 tấn/ha, tương đương số tiền từ 150-330 triệu đồng. Nếu so với trồng keo (71 triệu đồng/ha/5 năm) thì hiệu quả cam mang lại là rất lớn.Cán bộ phụ trách dự án SRDP huyện Hương Sơn - Đậu Mạnh Đức cho rằng, đối với nghề trồng cam, ngoài đào hố, ủ phân đúng cách, việc sử dụng các loại phân trong quá trình trồng cũng rất quan trọng. Thông thường, người ta sử dụng phân chuồng, phân lân, kali, nhưng tốt nhất vẫn là phân chuồng, đặc biệt là phân hữu cơ ủ từ cây xanh cùng men hữu cơ. Cây cam thường phải đối mặt với các loại sâu bệnh như: sâu đục thân, tristeza, gân xanh lá vàng, tuy nhiên, đều có thuốc đặc trị. Người dân cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng trừ theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người nghèo Hương Sơn đang hy vọng và đặt quyết tâm chăm sóc để những vườn cam dự án SRDP đầu tư hỗ trợ sớm đơm hoa, kết trái, mở ra con đường thoát nghèo bền vững.

Theo baohatinh.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh