Tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 05:58 - 27/04/2018
NGƯT, TS.Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh phát biểu.
Mới đây, tại hội thảo“Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” được Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để con người đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo, học tập thông qua kết nối các thiết bị thông minh, các lớp học trực tuyến… Trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi từng giây thì giáo dục nghề nghiệp cũng phải đạt những chuẩn mực chung nhất định. Bên cạnh những môn học mang tính đặc thù của từng ngành thì tất cả lao động cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng căn bản như làm chủ các thiết bị công nghệ và mạng internet; kỹ năng giao tiếp, giải quyết các tình huống thực tế trong lao động, sản xuất.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số, vật lý... Đặc trưng của cuộc cách mạng này là ứng dụng rộng rãi những thành tựu công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo kết nối mạng để quản trị nhằm tạo ra những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh khẳng định hội thảo là diễn đàn hữu ích để các đơn vị nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về những đặc điểm, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ tư đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tìm ra biện pháp và xây dựng chính sách thích hợp.
Ông Đỗ Quốc Chính và chuyên gia người Đức đại diện công ty TNHH Hoàng Quốc chia sẻ tham luận.
Tại cuộc hội thảo các chuyên gia đều cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng bắt buộc phải đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường, để tạo ra những lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Việc thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học; đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Thêm sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đào tạo và các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Lãnh đạo nhà trường chia sẻ trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại...
Trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại thì yêu cầu phải đổi mới phương thức dạy và học đối với giáo dục nghề nghiệp để thích ứng với những đòi hỏi trong thời đại mới càng trở nên cấp thiết. Giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, nhưng lại phát huy được tư duy sáng tạo, khẳ năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu thay đổi công việc liên tục. Tất cả những thay đổi trong xã hội sẽ tạo ra một bức tranh giáo dục và đào tạo vô cùng sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.
Toàn cảnh hội thảo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thật sự đặt giáo dục trước những thách thức mới. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.