THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:10

XKLĐ ở vùng cao chưa xứng với tiềm năng do DN chưa sâu sát

Huyện Văn Chấn có 31 xã, thị trấn, có hàng chục nghìn người trong độ tuổi lao động. Thế nhưng năm 2016 chỉ có 95 người đi nước ngoài làm việc, trong đó xã Phù Nham có 42 người, xã Hạnh Sơn có 10 người, xã Tân Thịnh 10 người, một số xã lẻ tẻ một vài người, còn lại có 18 xã không có người nào. Khảo sát cho thấy, 100% người ra nước ngoài làm việc đều gửi tiền về xây, sửa nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và có vốn làm ăn. Những cái được mà người ra nước ngoài làm việc luôn có là có thu nhập cao, có vốn, có tay nghề cao khi về nước,… đó là tiềm lực để xóa đói nghèo. Thế nhưng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, hiện XKLĐ không được coi là thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. 

Nhiều người muốn xuất khẩu lao động song tâm lý vẫn còn băn khoăn

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến con số khiêm tốn trong công tác XKLĐ ở huyện Văn Chấn, chúng tôi về xã Thượng Bằng La, những năm trước xã luôn nằm trong tốp đầu về số lượng người đi xuất khẩu lao động ở huyện. Nhưng năm ngoái chỉ được một người. Ông Hà Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND xã đã chỉ ra nguyên nhân là do tâm lý, thị trường khó tính dân sợ không dám đi, mà thị trường dễ tính thu nhập lại không cao, không cuốn hút. Thay vào đó, hàng năm các công ty như Samsung, Canon,… đưa cả xe về đón người đi làm, mức lương cũng khá, giờ xã Thượng Bằng La là xã có số người đi làm việc trong nước ổn định nhất huyện.

Còn theo ông Triệu Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Minh An “người dân quê mình không ngại xa nhà, xa quê hương”. Ông lấy ví dụ: Hằng năm, sau tết, người ta đi cả đoàn xuống Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm việc. Họ đi biền biệt, thậm chí mùa màng cũng không quan tâm luôn. Cứ đầu năm đi, cuối năm về mang theo ít vốn, sửa sang được căn nhà căn cửa. Dù vậy năm sáu năm nay, cả xã không có ai đi nước ngoài làm việc. “Mấy năm về trước, ở xã có 3 người đi xuất khẩu lao động. Hai người đi Malaysia, một người đang làm thì bị ốm liền bỏ về, còn người ở lại làm nốt hợp đồng nhưng do không tu chí làm ăn, ham chơi nên tiền kiếm được cũng tiêu hết. Còn người sang tây Á làm việc, kết quả là mang tiền về không nhiều, không hiệu quả. Cái hạn chế “cười ra nước mắt” là dân ở đây thường đi theo phong trào, nơi nào hay, việc nhẹ, lương ổn định là người ta rủ nhau đi, cùng làm một chỗ, cùng đi, cùng về chứ không đi độc lập. Hơn nữa, đồng lương ở một số nước không thu hút nên không có ai đi và không tạo được phong trào để mọi người cùng đi”, ông Quý cho biết.

Có một điều chung là các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, A rập, mức lương chưa thực sự thu hút với người lao động. Ngược lại, các thị trường khó tính, mức lương hấp dẫn, song người lao động lại khó đáp ứng được. Cụ thể hơn, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Chấn chia sẻ: Quả thực người lao động ở Văn Chấn cũng muốn sang Hàn Quốc, sang Nhật Bản, nhưng trình độ không đáp ứng được. Không hiểu sao họ đi học tiếng nhưng thi toàn trượt, ngay như điều này thôi cũng đã tạo nên tâm lý lo ngại rồi! Mặt khác, người dân ở đây quanh năm lầm lũi với cây rừng, với nương ngô, rẫy lúa, họ không có nhiều tiền để đi, dẫu biết rằng nhà nước hỗ trợ cho vay tiền đi nhưng tâm lý vẫn chưa mạnh dạn lắm! Hơn nữa, độ tuổi xuất khẩu lấy thấp quá, nếu như nhà tuyển dụng lấy lên độ tuổi 35 thì tốt, có một đội ngũ không nhỏ đang nằm ở độ tuổi này.

Không chỉ vậy, ông Lâm cho rằng thực tế vẫn có nhiều người muốn xuất khẩu lao động song tâm lý vẫn còn băn khoăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đa phần đều thiếu mặn mà, dễ chán nản. Nhiều khi họ về huyện, Phòng rất nhiệt tình, cử cả cán bộ đi theo xuống xã, nhưng xuống rồi họ nản mà đi luôn, không quay lại lần thứ hai thì làm sao mà tuyển được! “Những người làm công tác tuyển dụng chưa thực sự nắm bắt tâm lý của người lao động miền núi. Thực ra nếu muốn nhận họ đi làm thì người đó phải đến tận nhà, ăn ngủ nghỉ cùng bà con để hiểu được tính cách con người bản địa thì nói dân mới nghe. Dưới xuôi điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng như vậy nhưng vận động dân đi xuất khẩu còn khó huống chi là dân cư miền núi. Khó thì khó nhưng không phải không làm được!”, ông Lâm nhấn mạnh.

Dân cư ở Văn Chấn chủ yếu là người Mông, Dao, Thái, Khơ Mú,... sống ở trên các triền núi cao, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, lối sống riêng và trình độ không đồng đều, ban ngày họ thường vào nương làm rẫy, lấy củi, nơi chưa có điện thì tối về lại ngủ, ngày qua ngày như vậy nên khả năng nắm bắt ý nghĩa của việc xuất khẩu lao động còn hạn chế. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể tăng cường phối hợp, quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động là đương nhiên rồi. Song, người làm công tác tuyển dụng lao động đi xuất khẩu nếu muốn đạt hiệu quả cao thì có thể đến các trường cấp 3, nhà sinh hoạt cộng đồng, đến vào các dịp lễ, họp, hội nghị, có thể phối hợp với các chi hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, mặt trận, lồng ghép các cuộc họp để tư vấn, tuyên truyền.

“Câu chuyện “ăn sổi” không phù hợp với người dân vùng cao nên phải áp dụng công thức “mưa dầm thấm lâu”, các doanh nghiệp XKLĐ phải dành thời giam, tâm huyết, nếu làm hời hợt, đại khái thì kết quả sẽ không khả quan”, ông Lâm nhấn mạnh. 

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh