Huyện Bá Thước (Thanh Hóa): Khởi sắc công tác xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 13:40 - 18/03/2017
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động
Để thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Bá Thước đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành kế hoạch XKLĐ hàng năm, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn; các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, bản và người lao động. Tích cực tuyên truyền để từng người lao động hiểu, XKLĐ là một trong những hướng đi đúng giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên, mà nòng cốt là Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên các xã, thị trấn. Tích cực phối hợp có hiệu quả giữa Ban chỉ đạo XKLĐ cấp huyện, xã, thị trấn với công ty XKLĐ tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện; tổ chức các hội nghị cấp xã, cụm, thôn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về vai trò của XKLĐ đối với công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo của địa phương; nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo và dần làm giàu đối với người dân.
Nhận thức rõ vai trò của công tác XKLĐ đối với công tác giảm nghèo, từ đó các xã, thị trấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người lao động. Lãnh đạo các xã, thị trấn, cùng các cơ quan đoàn thể đã phối hợp với công ty XKLĐ xuống tận thôn, bản để tư vấn, đồng thời giải đáp những thắc mắc đối, giúp người lao động lựa chọn cho mình thị trường lao động phù hợp.
Từ nguồn tiền đi XKLĐ, gia đình chị Hà Thị Tâm đã đầu tư nuôi đàn trâu giúp gia đình ổn định cuộc sống, dần vươn lên làm giàu.
Với cách làm sáng tạo, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm gần đây, Bá Thước luôn là huyện khởi sắc trong công tác XKLĐ với kết quả đáng ghi nhận. Riêng năm 2016, huyện đã đưa được 216 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong công tác XKLĐ, ông Lê Phú Hiền, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bá Thước cho biết: “Trước đây, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nên người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ở các nước, khiến họ còn e ngại khi tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác XKLĐ, chưa hiểu hết vai trò của XKLĐ đối với công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Trong khi đó, đa phần đồng bào chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp; năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu và có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, người lao động hiểu rõ hơn vai trò của XKLĐ- là con đường giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu. Nhờ vậy, công tác XKLĐ của Bá Thước đã có nhiều khởi sắc”.
Lựa chọn doanh nghiệp XKLĐ có năng lực, uy tín
Ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò của XKLĐ đến từng người lao động, Bá Thước cũng đã lựa chọn những công ty có năng lực, uy tín về XKLĐ mới được tham gia tổ chức tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn như: Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát, Công ty XKLĐ Thiên Ân là những doanh nghiệp hoạt động uy tín và có hiệu quả. Theo số liệu của huyện Bá Thước, trong số 216 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2016 thì đa phần là đi giúp việc gia đình ở thị trường A rập xê út. Lý giải về thị trường A rập Xê út chiếm số đông người lao động sang làm việc, ông Lê Phú Hiền cho hay, Ả rập Xê út là thị trường mà người lao động không mất phí xuất cảnh, lại được hỗ trợ tiền đi lại, khám sức khỏe, ăn ở miễn phí trong thời gian học định hướng và ngoại ngữ, nên đa phần họ lựa chọn thị trường này. Chị Lê Thị Hồng (34 tuổi), xã Thiết Ống cho hay: “Năm 2014, tôi được cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện tư vấn, giới thiệu đi làm giúp việc gia đình ở A rập Xê út. Sau 2 năm về nước, gia đình tôi không chỉ trả được hết nợ, mà còn xây dựng căn nhà 2 tầng và tích lũy được số vốn mở cửa hàng tạp hóa”. Còn chị Hà Thị Tâm (42 tuổi) xã Lũng Cao phấn khởi cho biết “Sau 2 năm đi XKLĐ làm giúp việc gia đình ở A rập Xê út, gia đình tôi đã thoát được nghèo. Ngoài việc tích lũy được số tiền kha khá để cho các con ăn học, gia đình tôi còn đầu tư nuôi đàn trâu trị giá gần 200 triệu đồng”.
Trao đổi với PV báo điện tử Dân Sinh, ông Lê Phú Hiền, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bá Thước khẳng định: “Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ - xem đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng về công tác XKLĐ để người lao động hiểu, tham gia; lựa chọn những công ty XKLĐ có năng lực, uy tín mới được tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn. Đây cũng sẽ là giải pháp để Bá Thước thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững và dần làm giàu”.