THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:33

Xuất hiện tội phạm "săn lùng trẻ em" trên mạng xã hội

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, tại Tọa đàm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Phụ huynh vô tình để lộ thông tin cá nhân của con

Theo ông Tuân, hiện rất nhiều phụ huynh vô tình phát tán lên mạng thông tin như hình ảnh, thông tin của con, dẫn tới các em có nguy cơ thành "con mồi" của tội phạm "săn lùng trẻ em". Ban đầu, các đối tượng xấu chỉ nhắn tin, gọi điện, sau đó có thể dẫn tới bắt cóc, xâm hại. "Theo luật, phụ huynh không được phát tán hình ảnh trẻ em trên 7 tuổi nếu chưa được sự cho phép của trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết, không ý thức được rủi ro đối với con em mình", ông Tuân bày tỏ.

Bên cạnh đó, khi cha mẹ truy cập nội dung tiêu cực, "người lớn", trẻ em cũng tiếp xúc thông tin xấu độc qua quảng cáo hiện trên trang web. Nếu không ngăn chặn kịp thời, các em có thể hình thành suy nghĩ lệch lạc. Ông Nguyễn Đức Tuân nêu ra một vài con số đáng chú ý. Đó là khoảng 70-80% trẻ em từ 10-15 tuổi chơi game (khoảng 10-15% số này nghiện game). Nghiện game có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, tâm lý người chơi.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam.

Khoảng 51% người dùng mạng khác cho biết, bản thân từng liên quan đến hành vi bắt nạt. Bắt nạt trực tuyến có thể là tung tin đồn, đánh nhau rồi đăng clip lên mạng, gửi hình ảnh đồ trụy… "Do đó, trẻ em sẽ chịu rủi ro rất lớn nếu xã hội, nhà trường và gia đình không chú ý quan tâm", ông Tuân bày tỏ.

Người lớn theo đó cần chú ý nói chuyện với trẻ để biết con dùng máy tính, điện thoại nhắn tin, nói chuyện với ai, ở đâu, khi nào và tuyệt đối không gây tổn thương, nói nặng lời khi các em vướng vào sự cố. "Khi sử dụng internet, các em cần được tiêm "vắc xin số". Đó là tự biết bảo vệ được mình là tốt nhất", ông Tuân nói.

4 nguyên tắc trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Chia sẻ về nội dung và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, hiện gặp một thách thức rất là lớn, đó là cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, công nghệ internet, môi trường mạng nói riêng đang phát triển rất là nhanh, gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. “Ví dụ như ChatGPT chẳng hạn, một phần mềm trí tuệ nhân tạo làm chúng ta ngỡ ngàng. UNICEF cũng đã gióng lên cảnh báo nguy cơ về những vấn đề liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT đối với trẻ em, và việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng. Do đó, quá trình không ngừng hoàn thiện pháp luật và chính sách để tạo cho trẻ em môi trường an toàn, không gian an toàn và khuyến khích sự sáng tạo, tương tác đẩy mạnh trên môi trường mạng là một yêu cầu rất là bức thiết và lâu dài”, ông Nam nêu ví dụ.

Ông Nguyễn Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam.

Theo ông Nam, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta cần chú ý 4 quan điểm và cách tiếp cận sau:

Thứ nhất là các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng thì phải có những chế tài ngăn chặn, xử lý tương ứng với những hành vi ở trong đời thực; chú ý việc đánh giá hậu quả của nó tác động đến đối tượng trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần.

Thứ hai là tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng, phòng, chống xâm hại trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực như thế nào thì tương ứng như vậy ở trên môi trường mạng.

Thứ ba là phải tăng nặng, dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Ví dụ, xâm hại trẻ em nhỏ tuổi hay lợi dụng các vị thế, uy tín đối với trẻ em để có những hành vi trục lợi hoặc xâm hại trẻ em ở trên không gian mạng và môi trường mạng. Gần đây có những nghệ sĩ, những người nổi tiếng, youtuber, blogger, facebooker có lượng tương tác và người theo dõi rất lớn trên môi trường mạng, nhưng những hành vi của họ nêu gương xấu, thậm chí là lợi dụng sự nổi tiếng đó để thu lợi bất chính, xâm hại những người hoạt động trên môi trường mạng nói chung và trẻ em nói riêng. Nhưng hiện thiếu căn cứ pháp lý để xử lý và đánh giá hậu quả.

Thứ tư, cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng. Điều này thể hiện trước hết trong việc họ phải chặn, lọc, gỡ những thông tin, hành vi mà nó gây hại cho trẻ trên môi trường mạng. Họ cũng phải là những người đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo vệ trẻ và trong những quy định pháp lý thì chúng ta phải nhấn mạnh việc phòng ngừa.

“Tôi luôn luôn nhấn mạnh là chúng ta phải phòng ngừa. Bởi vì cho dù lĩnh vực công nghệ thông tin, môi trường mạng có những diễn biến rất khó lường nhưng về quy định pháp luật, chính sách chúng ta phải luôn có những quy định mở để nhấn mạnh trách nhiệm phòng ngừa. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, những người cung cấp dịch vụ thu lợi ở trên môi trường mạng, thu lợi kể cả về mặt vật chất lẫn uy tín cá nhân với sự nổi tiếng của mình thì cũng phải được quy định trong pháp luật”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh