Đắk Lắk tăng cường năng lực, thúc đẩy thực hành bảo vệ trẻ em trong sản xuất cà phê
- Dược liệu
- 17:40 - 30/03/2023
Tham dự hội thảo có Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Đắk Lắk ông Nguyễn Hoàng Giang, chuyên gia Tổ chức SC, lãnh đạo Sở, ngành, doanh nghiệp, địa phương, các đơn vị liên quan.
Tại hội thảo, các đơn vị đã tập trung thảo luận kế hoạch triển khai các hoạt động của Dự án giai đoạn 2023 - 2026. Trong đó, dự án sẽ tập trung 4 nhóm kết quả gồm: Trẻ em, người chăm sóc trẻ và các bên liên quan được nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện quyền trẻ em; Môi trường học tập cho trẻ em tại khu vực sản xuất cà phê được cải thiện để tăng khả năng tiếp cận của trẻ tới giáo dục và dịch vụ chăm sóc; Lao động trẻ (15 - 20 tuổi) làm việc chính thức và phi chính thức được cải thiện kỹ năng làm việc, nâng cao kiến thức về quyền lao động, môi trường làm việc an toàn để thực hành trong ngành cà phê; Thúc đẩy quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em và lao động trẻ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giai đoạn II, Dự án sẽ tập huấn cho khoảng 1.000 trẻ em gái và trẻ em trai (8 - 17 tuổi), đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số (ít nhất là 50%), phụ huynh và các bên liên quan gồm giáo viên từ bậc mầm non tới trung học cơ sở, cán bộ địa phương và tổ chức đoàn thể tập trung vào các chủ đề như: Quyền trẻ em theo công ước quốc tế về quyền trẻ em và quy định pháp luật, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em, phòng chống lao động trẻ em, các cơ chế bảo vệ trẻ em hiện có, bảo vệ trẻ em bao gồm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet, phòng chống buôn bán trẻ em, và bình đẳng giới.
Mục tiêu chung dự án dự kiến là 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên, 1.500 nông dân và người làm việc trong ngành cà phê, 30 doanh nghiệp và chủ trang trại cà phê, 290 cán bộ địa phương và giáo viên. Số người hưởng lợi gián tiếp tại cộng đồng dự kiến khoảng 50.000 người.
Hội thảo nhằm đánh giá các kết quả giai đoạn I và thảo luận dự thảo nội dung dự án giai đoạn II đến các địa phương, đơn vị góp phần triển khai hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, phát triển bền vững ngành cà phê địa phương, từ đó cải thiện cuộc sống của trẻ em tỉnh Đắk Lắk.
Dự án được tài trợ bởi Tập đoàn Lavazza Ý và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Ý, tập trung thí điểm tại 6 xã của 3 huyện và thị xã, gồm: Xã Ea Tân và Dliêya, Huyện Krông Năng; xã Ea Tul và Ea Drơng, Huyện Cư M’gar; xã Ea Drông và Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, dự án triển khai giai đoạn 1 (2021 - 2023) ở địa bàn 6 xã của 3 huyện, khảo sát trên 207 trẻ em (nhóm đối tượng 6 - 14 tuổi), 151 hộ nông dân sản xuất và kinh doanh. Qua đó, dự án nhận thấy sự thay đổi trong việc trẻ em tham gia vào hoạt động sản xuất và cung ứng cà phê; có sự thay đổi kiến thức về quyền trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em, trách nhiệm giải trình xã hội lấy trẻ em làm trung tâm và các nguyên tắc kinh doanh và quyền của trẻ em; Sự thay đổi nhận thức của các bên liên quan về quyền trẻ em và các chính sách liên quan.
Nội dung hoạt động của dự án phù hợp với ưu tiên của địa phương (cấp tỉnh) trong lĩnh vực trẻ em và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của từng xã, trường học. Phù hợp với nhu cầu của trẻ em, cha mẹ, hộ SXKD và các bên liên quan; Linh hoạt cách truyền thông, cách tiếp cận để phù hợp với bối cảnh COVID-19.
Kết thúc giai đoạn 1, trẻ em trong hộ gia đình khảo sát tham gia hoạt động sản xuất cà phê ít hơn so với đầu kỳ, cụ thể trẻ em làm cho gia đình từ 37,5% đầu kỳ xuống 18,6% cuối kỳ; trẻ em làm thuê từ 4% đầu kỳ còn 1,8% cuối kỳ. Trẻ em nhận thức được toàn bộ 4 nhóm quyền trẻ em là 14%, tăng lên so với đầu kì (9,8%).
Tỷ lệ trẻ em chưa nắm được các cơ chế bảo vệ giảm mạnh 84,8% đầu kỳ còn 19,8% cuối kỳ. Tỷ lệ trẻ biết quy trình tố cáo và biết báo cáo khi thấy trẻ xâm hại, bạo lực tăng so với đầu kỳ.
Cha mẹ đã có nhận thức tốt hơn về một số quyền của trẻ như: Quyền được nuôi dưỡng, quyền ra quyết định, ý kiến, quyền được vui chơi giải trí. Cha mẹ đã nắm được cơ chế bảo vệ trẻ em (ít nhất 1 cơ chế) từ 29,9% đầu kỳ tăng 88,7% cuối kỳ; cha mẹ biết quy trình, thủ tục tổ cáo và các cơ quan tổ chức hỗ trợ tăng mạnh so với đầu kỳ. Tại trường học vẫn duy trì hoạt động sinh hoạt của nhóm nòng cốt, tủ sách của trại đọc được duy trì lâu dài để học sinh các thế hệ đọc sau này.
Các chuyên gia khuyến nghị, giai đoạn tới nên tăng cường các hoạt động cho nhóm đối tượng trên 15 tuổi (can thiệp trực tiếp) và nhóm dưới 6 tuổi để đảm bảo quyền của các nhóm này (can thiệp gián tiếp thông qua cha mẹ trẻ, giáo viên mầm non).
Chính quyền các cấp, nhà trường cần duy trì, nhân rộng các kết quả của dự án theo khả năng như tủ sách, huy động các các nguồn xã hội hóa để có các tủ sách cho trẻ em. Duy trì đội ngũ TOT nòng cốt để có thể sử dụng tài liệu chủ động tập huấn cho các nhóm liên quan. Củng cố các tài liệu và phát triển các tài liệu tập huấn của Dự án phù hợp với tình hình địa phương để có thể sử dụng tập huấn thường xuyên cho nông dân và các cán bộ. Duy trì, nhân rộng tủ sách trong trường học, huy động các nguồn xã hội hóa để có các tủ sách trong trường học.