THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:56

Xuân về cửa biển Ngư Lộc

Nơi có nhiều cái nhất

Làng Diêm Phố xưa, nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có cách đây chừng 8 thế kỷ. Ngôi làng được những cư dân đầu tiên dựng lên ngay sát mép nước biển, trên đất xứ Cồn Bò và cạnh cửa sông Lạch Trường. Diêm Phố xưa là làng đánh cá lâu đời bậc nhất Thanh Hóa. Người dân Diêm Phố, làng Diêm Phố - Ngư Lộc được ví như đàn ong san bọng, đan xen vào các xã dọc theo đường bờ biển huyện Hậu Lộc, chạy từ Đa Lộc đến Hòa Lộc, từ đó tạo thành cộng đồng ngư nghiệp lớn mạnh.

Xuân về cửa biển Ngư Lộc - Ảnh 1.

Tàu, thuyền về trên biển Ngư Lộc

Người dân Ngư Lộc luôn dựa vào biển để mưu sinh. Biển nuôi nấng, chở che, những mùa về tôm cá đầy khoang nhưng cũng mang về cho họ lắm tai ương. Dẫu biết mỗi chuyến ra khơi là một hành trình gian khổ nhưng nếu bảo họ đừng đi biển nữa, chắc chắn họ sẽ lắc đầu. Bởi lẽ, đó là nghiệp, là miếng cơm manh áo của cả gia đình và cuộc sống của họ.

Ngư Lộc vẫn nổi tiếng về đất chật người đông. Vùng xã đảo này nếu tính toàn bộ diện tích đất tự nhiên chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1km2 (0,93km2) gồm cả diện tích đảo Hòn Nẹ, vùng bãi bồi và toàn bộ diện tích tự nhiên đất liền của cả xã. Trong khi đó, dân số Ngư Lộc hiện trên 19.000 người, với hơn 3.200 hộ.

 Hải sản được phân loại trước khi bán cho thương lái

Có nhiều người từng bảo: "Mật độ dân số ở Ngư Lộc cao nhất thế giới". Về điều này, từ trước tới giờ chưa ai xác tín. Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương khác, chắc chắn Ngư Lộc là một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất. Cũng do đất chật, người ngày càng đông mà những ngôi nhà của người dân dần được "xén" nhỏ để các thế hệ cùng tá túc, mưu sinh. Những con ngõ ở Ngư Lộc chẳng khác gì phố cổ Hà Nội. Đặc biệt, dịp cuối năm các hoạt động kinh doanh, buôn bán tấp nập hơn ngay từ trên bến, dưới thuyền, trong ngõ, ngoài đê… Ai cũng hối hả thu xếp công việc để chuẩn bị đón Tết cổ truyền cùng dân tộc trước khi bước vào một vụ mùa mới.

Bám biển để mưu sinh

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, người Ngư Lộc vốn cần cù, chịu thương, chịu khó. Không có đất canh tác nông nghiệp nên nghề biển là nghề chính của người dân nơi đây. Cả xã Ngư Lộc hiện có 336 phương tiện khai thác, với tổng công suất 70.671 CV; hơn 2.500 lao động trực tiếp trên biển và hàng nghìn lao động dịch vụ hậu cần nghề cá.

Xuân về cửa biển Ngư Lộc - Ảnh 3.

Lễ hội Cầu Ngư, lễ hội lớn của người dân Ngư Lộc

"Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động nghề cá ở Ngư Lộc phải tạm dừng gần 1 tháng. Chính quyền địa phương vừa căng mình phòng chống dịch, vừa động viên bà con phát triển kinh tế. Tổng sản lượng khai thác năm 2020 của Ngư Lộc ước đạt 12.290 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 276 tỷ đồng. Để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Xã tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày. Ngoài ngư trường quen thuộc, nhiều tàu lớn của ngư dân được đóng mới với trang bị hiện đại đã ra tận Hoàng Sa, Trường Sa… Là xã đông dân nhưng đến nay chỉ còn 121 hộ nghèo, bình quân thu nhập của người dân đạt 39 triệu/người/năm.Nhiều người từ "lộc biển" mà cuộc sống ngày càng trở nên khấm khá…", ông Quang vui vẻ nói.

Xuân về cửa biển Ngư Lộc - Ảnh 4.

Chùa Liên Hoa, điểm đến trong văn hóa tâm linh người dân vùng biển Ngư Lộc

Với thân hình rắn rỏi, nước da xạm đen vì sương gió, ngư dân Nguyễn Văn Dư, thôn Thắng Bắc, xã Ngư Lộc kể: "Nghề biển vốn vất vả nhưng biển không phụ công người. Mỗi ngày ra biển chí ít cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tháng đi được 3 chuyến, mỗi chuyến đi 9, 10 ngày, được chủ trả công 3, 4 triệu/người. Khi gặp đàn, trúng "lộc biển" thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Thanh niên trong làng nếu không đi học, không đi làm ở các công ty thì 19, 20 tuổi đã có vài năm kinh nghiệm đi biển. Giờ ở làng biển chẳng thiếu thứ gì, điện nước đầy đủ, có cơ sở thu mua hải sản, chế biến nước mắm, các hàng quán buôn bán tạp hóa, thương lái xuống tận mép nước thu mua… Dịp này là lúc biển lặng, gió yên, anh em chúng tôi tranh thủ đi biển thêm 1, 2 chuyến rồi nghỉ Tết trước khi bước vào mùa vụ mới".

Có mặt từ sáng sớm để đón tàu, thuyền về, chị Nguyễn Thị Hải, thôn Nam Phượng, xã Ngư Lộc cho biết: "Không kể giờ giấc, cứ khi nào có tàu cập bến thì công việc của những phụ nữ xã Ngư Lộc lại bắt đầu. Phụ nữ Ngư Lộc hàng ngày ra biển chờ đợi tàu cập bến, đón người thân trở về và làm những công việc như bốc vác, vận chuyển nhu yếu phẩm, phân loại cá, bóc tôm... tiền công được tính trực tiếp bằng sản lượng. Số tiền thu nhập tuy không nhiều nhưng ai cũng cố gắng kiếm thêm để lo có cái Tết tươm tất…".

Sẵn sàng mùa vụ mới

Mùa tiếp mùa, năm nối năm. Nhịp sống của người dân nơi cửa biển Ngư Lộc luôn tiếp diễn từ những chuyến tàu xuất bến khi trời còn chưa ló rạng. Với những ngư dân ngày nào không được đi biển đánh bắt hải sản là nỗi nhớ day dứt khôn nguôi.

Trong câu chuyện, ông Nguyễn Văn Dư cho biết: "Khoảng 26, 27 Tết âm lịch, mọi công việc đi biển của anh em đều gác lại, tranh thủ thời gian sửa chữa máy móc, mua sắm ngư cụ rồi về xum họp cùng gia đình đón xuân. Sau Tết thời tiết thuận lợi, mùng 4, mùng 5 chúng tôi bắt đầu xuất bến. Chuyến đi biển đầu tiên với ý nghĩa mang lại may mắn cho cả năm nên các chủ thuyền đều làm lễ cúng. Đây là nét văn hóa của ngư dân các miền quê sông nước, với mục đích cầu mong cho tàu thuyền ra khơi vào lộng luôn thuận buồm xuôi gió, nhiều cá, tôm… được mùa, được giá, sản xuất an toàn, bội thu. "Lộc biển" từ chuyến đầu sẽ được để dành cúng rằm tháng Giêng, cúng gia tiên…".Ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: "Để động viên bà con sản xuất, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể lại xuống thăm hỏi, động viên, mừng tuổi cho các chủ tàu lấy may mắn. Xã tổ chức phát động phong trào ra quân sản xuất đầu năm, ngư dân nô nức vươn biển khơi. Với ngư dân, biển không thể xa rời, bám biển mưu sinh và để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương…".

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh