Tết của những người nơi tuyến đầu chống dịch
- Y học 360
- 17:33 - 14/02/2021
Vững chắc nơi tiền tuyến
Chiều dần buông xuống, nắng cuối ngày vàng rực nhưng không đủ xua tan cái giá lạnh ở xã vùng cao Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) ngày giáp Tết. Na Mèo là xã xa nhất của huyện Quan Sơn trước khi sang nước bạn Lào. Chốt kiểm soát Mốc 328 đóng lưng chừng núi, đứng cạnh mốc nhìn về phía bên kia suối là bản Lán, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Chốt nằm cách Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo chừng 3km, cách trung tâm xã chừng 15km.
Có mặt thường xuyên tại Chốt, Trung tá Ngô Quang Thanh, (quê huyện Hoằng Hóa) bảo với chúng tôi rằng, khu vực Chốt quản lý từ km2 đến km10 đường rừng hết sức hiểm trở, đồi núi dốc, nhiều đường mòn lối mở. Đây là những vị trí trọng yếu mà các đối tượng vượt biên trái phép qua lại. Mùa này ở Chốt rất lạnh, về đêm nhiệt độ thường xuyên giảm xuống chỉ còn 7 - 8 độ, có những đợt gió mùa, nhiệt độ xuống thấp 1 - 2 độ là bình thường.
"Dù gió lạnh, nắng nóng, mưa dầm, ngày nào cũng vậy, mấy em anh tại Chốt lại phân công nhau đi tuần tra dọc biên giới hay mật phục tại các vị trí hiểm yếu mà các đối tượng vượt biên trái phép qua lại. Anh em ở Chốt đều đảm bảo túc trực 24/24h, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, không cho phép các đối tượng qua lại khu vực biên giới… Giáp Tết là thời điểm phức tạp nhất khi có nhiều công dân Việt Nam về quê ăn Tết. Mặc dù có hộ chiếu nhưng nhiều người bên Lào trở về trốn cách ly nên vẫn vượt biên trái phép", Trung tá Ngô Quang Thanh cho biết.
Cách Chốt 328 khoảng 5km, chốt kiểm soát Mốc 326, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nằm biệt lập trong khu rừng bạt ngàn tre, luồng. Chốt được dựng trên con đường mòn cách cột Mốc 326 gần 1km, phía bên kia Mốc là bản Lơi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Chốt này đã phát hiện và bắt giữ được nhiều nhất số người nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Thiếu tá Dương Đình Tinh (quê huyện Thiệu Hóa) trinh sát viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho biết: "Sở dĩ đơn vị chọn điểm này lập chốt vì đây là vị trí chốt chặn các đường mòn, lối mở từ các hướng bên kia biên giới trở về. Kể từ khi lập chốt đến nay đã bắt giữ gần 30 đối tượng vượt biên trái phép".
Có mặt tại Trạm kiểm soát liên hợp số 8, Đồn Biên phòng Yên Khương (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh) khi chiều đã muộn, sương mù dày đặc. Dù đứng cách nhau vài bước chân nhưng chúng tôi chẳng nhìn rõ mặt người. Trước đây Trạm chỉ là một chốt kiểm soát Covid-19 do Đồn Biên phòng Yên Khương đảm nhiệm. Đầu tháng 11/2020 Trạm kiểm soát liên ngành được UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập với nòng cốt là lực lượng biên phòng, ngoài ra còn có Công an, dân quân tự vệ và lực lượng y tế xã.
Vừa tranh thủ sưởi ấm sau chặng đường dài hành quân tuần tra, kiểm soát biên giới, Thiếu tá Trần Văn Duyên (quê huyện Thiệu Hóa), Phó đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Yên Khương, Trạm phó Trạm kiểm soát liên hợp số 8 cho biết: "Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý 7km đường biên, riêng Trạm số 8 quản lý 4,3km. Giáp với Trạm là bản Cân, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn. Khu vực này nhiều đường mòn, lối mở. Gần Tết công dân Việt Nam làm ăn tại Lào trở về nước rất đông, dọc tuyến biên giới đã xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Trạm được lập đảm bảo giữ vững cột mốc, đường biên, an ninh biên giới và phòng tránh Covid-19. Để an toàn đón Tết Tân Sửu 2021 nên mật độ tuần tra, kiểm soát của anh em tại Trạm cũng dày hơn, khép kín hơn, không để lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Ngoài ra Trạm còn phối hợp với Trạm số 7 của Đồn Biên phòng Tam Thanh (huyện Quan Sơn) tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới".
Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt
Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho biết: Năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 biên giới tạm đóng cửa. Tuy nhiên Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo là cửa khẩu duy nhất ở Thanh Hóa được phép mở cửa thông thương hàng hóa phát triển kinh tế trên cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định. Thời điểm đầu tại khu vực Cửa khẩu Na Mèo xây dựng một khu cách ly. Cán bộ của Đồn Biên phòng phối hợp với các đơn vị vừa phân luồng xuất - nhập cảnh, vừa chăm lo cho các công dân cách ly tại cửa khẩu. Giáp Tết, số lượng người nhập cảnh về nước tương đối lớn. Các đối tượng nhập cảnh trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Gần 1 năm nay chưa ngày nào cán bộ, chiến sĩ tập trung đầy đủ tại đơn vị để sinh hoạt, học tập theo quy định, bởi hầu hết phải tăng cường bám chốt, bám địa bàn.
"Dọc tuyến biên giới Đồn bố trí 5 chốt, 1 trạm kiểm soát liên hợp, 2 đội tuần tra cơ động. Ở các Chốt, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hết sức khó khăn. Không điện, không sóng điện thoại, thiếu nước sinh hoạt, địa hình hiểm trở. Để động viên, lãnh đạo đơn vị thường xuyên lên nắm tình hình, làm công tác tư tưởng, cùng ăn, cùng ở với cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra còn làm công tác tư tưởng ở quê nhà để vợ con, gia đình yên tâm".
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tăng gia sản xuất
Thượng tá Hồ Ngọc Thu chia sẻ và cho biết, để chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, Đồn xây dựng kế hoạch 100% quân số trực, đảm bảo an toàn đường biên, mốc giới, chống xâm nhập trái phép, lên các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng chống dịch Covid-19. Năm nào Đồn cũng tổ chức chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản", cử cán bộ xuống địa bàn các bản phụ trách vui xuân, đón Tết, tổ chức hoạt động văn hóa truyền thống với bà con. Ngoài ra Đồn còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ cho cán bộ chiến sĩ ăn Tết tại Đồn và các chốt, trạm; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, già làng, trưởng bản, những người đã giúp đỡ bộ đội tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc...
Yêu thương gửi lại hậu phương
Xa gia đình, xa người thân trong những ngày Tết khiến ai cũng thấy chạnh lòng, song bù lại những người lính biên phòng nơi đây luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cùng bà con dân bản Sa Ná gói bánh chưng Tết
Gắn bó với Đồn, với biên giới, với bà con dân bản như quê hương thứ hai của mình, nhắc đến chuyện ngày Tết, Trung tá Ngô Quang Thanh chia sẻ: "Trước chưa có dịch Covid-19 khoảng 1, 2 tháng tôi về thăm nhà một lần. Thời kỳ cao điểm chống dịch 4, 5 tháng mới về nhà. Gần 30 năm công tác, hầu hết vào các dịp Tết tôi đều ở lại trực, ăn Tết với cán bộ, chiến sĩ ở Đồn và bà con dân bản. Mọi công việc ở nhà đều một tay vợ chăm lo. Vợ con, gia đình biết được nhiệm vụ của anh em, cán bộ nên rất cảm thông và chia sẻ. Là chiến sĩ quân hàm xanh, nhận nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành".
31 năm công tác trong ngành, mới chuyển sang công tác tại Đồn Biên phòng Yên Khương được 2 năm, với Thiếu tá Trần Văn Duyên việc ăn Tết tại Đồn, tại bản trở nên quen thuộc. "Việc gia đình không thể tránh được nhiều lúc bùi ngùi, nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến người khác, đến nhiệm vụ chung của đơn vị. Nhiều khi nhớ vợ, nhớ con phải đi cách trạm chừng 3km mới có sóng điện thoại để gọi về nhà. Vì nhiệm vụ mà trách nhiệm gia đình tạm gác sang một bên nên rất mong gia đình cảm thông, chia sẻ. Mình cũng day dứt lắm vì chưa thể chăm lo cho bố mẹ già 84 tuổi, vợ, con, công việc ở nhà đành phải nhờ vợ quán xuyến. năm mới, mong sao gia đình mạnh khỏe để mình yên tâm công tác", Thiếu tá Trần Văn Duyên tâm sự.
Lên đóng quân tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được hơn 6 tháng, lại là năm đầu tiên đón Tết xa gia đình, với chiến sĩ Trần Ngọc Huy, 20 tuổi (quê huyện Hoằng Hóa) đây là cái Tết rất nhớ nhà, nhớ bạn bè... Nhưng tại đơn vị, Huy được cán bộ, anh em chiến sĩ động viên, khích lệ nên cảm thấy nơi đây cũng chính là quê hương, là gia đình thứ hai của mình. Huy tâm sự: "Từ khi lên Đồn em cũng chưa về nhà dịp nào, ở nhà bố mẹ cũng trông mong. Dịp này ăn Tết ở Đồn cũng chỉ mong gia đình khỏe mạnh, ăn Tết vui vẻ. Ở Đồn, mọi công việc cấp trên giao em sẽ nỗ lực hoàn thành".
Một mùa xuân mới lại về, bà con các dân tộc chuẩn bị đón Tết. Trong mùa xuân ấy có sự hy sinh thầm lặng, là những dấu chân tuần tra biên giới để bảo vệ sự bình yên cho mọi nhà, mọi người được yên tâm vui Tết, đón Xuân…