THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Xuân mới nơi “đệ nhất nghèo” của Phú Thọ

 

Ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo của huyện đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân. 

Ngoại tệ về xây nhà, phát triển kinh tế

Kiệt Sơn từng là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, sau 10 năm bộ mặt kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân đã có sự đổi thay.  Theo chân cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện, chúng tôi đến Kiệt Sơn những ngày cuối năm, trong hơi ấm của tiết trời đang sang xuân, Kiệt Sơn hiện ra trong màu xanh ngút ngàn của những nương ngô, đồi chè, ruộng lúa và những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố  trong làn sương mờ ảo. 

Tác giả trò chuyện cùng ông Hà Đức Chanh (Khu 7, xã Kiệt Sơn) tại ngôi nhà vừa mới xây xong. 

Trong căn nhà 2 tầng rộng hơn 100m2 vừa được hoàn thành, ông Hà Đức Chanh (Khu 7, xã Kiệt Sơn) chia sẻ, gia đình ông trước đây là một trong những hộ nghèo của xã. Với 3 thế hệ gồm 6 nhân khẩu sống trong căn nhà lợp lá nên mùa đông gió lùa, ngày mưa dột nát, kinh tế gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Năm 2013, nhờ chính sách hỗ trợ lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, con dâu ông - chị Hà Thị Oanh đi xuất khẩu tại Malaysia. Sau hơn 3 năm, chị Oanh đã gửi về gần 400 triệu đồng. Với số tiền đó gia đình ông Chanh không những xây được ngôi nhà kiên cố mà còn đầu tư trồng 3,6 ha chè cùng 6 sào ao thả cá. Đến nay gia đình ông Chanh  không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy. “Nhờ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi, con, cháu không phải lo cảnh thiếu ăn. Có được ngày hôm nay cũng nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với những người dân nghèo” - ông Chanh phấn khởi cho biết. 

Ngôi nhà ông Hà Đức Chanh được xây bằng tiền do con dâu đi xuất khẩu lao động tại Malaysia gửi về.

Vợ chồng ông Hà Đức Chanh trong ngôi nhà mới vừa xây xong. 

Gia đình anh Hà Thanh Lâm có vợ là chị Hà Thị Nhới đang đi làm giúp việc tại Đài Loan. Anh Lâm kể: Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, 4 nhân khẩu đều trông vào 5 sào ruộng và gần 1ha rừng. Năng suất lúa thấp, rừng cằn cỗi, cái nghèo đói cứ đeo bám. Năm 2013, nhờ có Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, chị Nhới đã được học tiếng Đài Loan miễn phí và gia đình  được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để đi xuất khẩu lao động. Sau 4 năm làm việc tại Đài Loan chị đã gửi về 450 triệu đồng để anh trang trải nợ nần, xây nhà và đầu tư chăn nuôi dê. Anh Lâm cho biết: “Mức thu nhập bên Đài Loan tuy không cao lắm nhưng so với thu nhập của những gia đình nông dân miền núi thì đó là niềm mơ ước. Cũng nhờ có số tiền tích lũy được từ xuất khẩu lao động mà con cái được học hành và gia đình có cuộc sống ổn định”. 

Tác giả trò chuyện cùng anh Lâm tại ngôi nhà vừa mới xây xong.

Ngôi nhà mới khang trang của anh Hà Thanh Lâm tại xã Kiệt Sơn, Phú Thọ được xây bằng tiền do vợ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan gửi về. 

Chia sẻ với chúng tôi ông Hà Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn cho biết, toàn xã có tổng số 314/833 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 37,69%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 92,3%. Kiệt Sơn được đánh giá là xã có tỷ lệ giảm nghèo bền vững đứng trong tốp đầu của huyện Tân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5% mỗi năm, không còn tình trạng tái nghèo. Để đạt được những kết quả về công tác giảm nghèo như trên do thời gian qua Đảng ủy, UBND xã đã đưa ra rất nhiều giải pháp như tuyên truyền cho bà con nhân dân phải cố gắng vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của gia đình; tạo điều kiện học nghề, xuất khẩu lao động để người dân tham gia xóa đói giảm nghèo. Nhờ vào nguồn tiền lao động làm việc tại nước ngoài mà nhiều gia đình trong xã không chỉ thoát nghèo đã có tích lũy để đầu tư vào phát triển sản xuất. 

Ông Hà Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn cho biết: Kiệt Sơn được đánh giá là xã có tỷ lệ giảm nghèo bền vững đứng trong tốp đầu của huyện Tân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5% mỗi năm, không còn tình trạng tái nghèo. 

Hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo

Với người dân nghèo, đồng vốn đầu tư phát triển kinh tế rất có ý nghĩa, bởi giúp họ có được sinh kế vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những năm qua, nhiều người dân ở Tân Sơn đã thoát nghèo từ nguồn tín dụng chính sách.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Mịn 2, xã Mỹ Thuận, một trong những điển hình thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2014 gia đình anh được vay 40 triệu đồng. Có vốn, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con lối xóm, anh được mượn 150m2 đất làm xưởng sản xuất chè khô, đầu tư mua máy vò và 2 bom sao chè. Nhờ miệt mài sớm tối làm chè, không chỉ thoát nghèo mà đến nay gia đình anh đã có xưởng sản xuất chè khô tương đối lớn. Anh đã mua thêm được đất mở rộng diện tích nhà xưởng lên 600m2, trang bị được 8 bom sao chè thay thế những bom cũ cùng máy vò, máy sấy công nghệ mới. Hiện mỗi ngày xưởng chè của anh tiêu thụ khoảng 5 tạ chè búp tươi, giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 5, 6 triệu đồng/tháng, trừ chi phí mỗi tháng anh chị còn thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Thoát nghèo và có được thành công bước đầu trong sản xuất, kinh doanh như ngày hôm nay, gia đình tôi thực sự trân trọng nguồn vốn ban đầu được vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nền tảng đó vợ chồng tôi mới có lực vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa đầu tư”.

 

Người dân xã Kiệt Sơn, Tân Sơn đưa máy móc vào thu hoạch chè. 

Cũng là đối tượng hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Hà Thị Kiểm cùng ở thôn Mịn 2, xã Mỹ Thuận cho hay: “Năm 2014, gia đình tôi được vay 40 triệu đồng. Có vốn gia đình đầu tư mua một con trâu, một con bò sinh sản, một con lợn nái và mua phân bón chăm sóc 1ha chè. Đến đầu năm nay thì trâu đã sinh sản được nghé con, còn bò đang chuẩn bị đẻ; lợn nái cũng đẻ được 3 lứa; chè cho thu hoạch mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa được hơn 1 tấn búp sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Đầu năm 2017 gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Chia sẻ về những kết quả giảm nghèo ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, Tân Sơn là huyện miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, 82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, 14/17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân, nhất là các nguồn lực của Chương trình 30a, của các tổ chức, doanh nghiệp đã song hành với chính quyền và nhân dân trong công tác giảm nghèo.

 

Đường giao thông kết nối giữa trung tâm huyện với các xã.

 

Từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, đến nay các tuyến đường giao thông và hệ thống chiếu sáng cơ bản hoàn thành từ trung tâm huyện đến 100% số xã; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt trên 80%; 12 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có hội trường trung tâm và điểm bưu điện văn hóa; tỷ lệ phủ sóng di động đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 95%; 2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 6-14 tiêu chí... Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 cùng với các chương trình khác đã xóa được 4.200 căn nhà dột nát, nhà tạm. Từ các nguồn hỗ trợ đó đã giúp số hộ nghèo của huyện giảm bình quân trên 4,66%/năm, đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 26,38% và cận nghèo là 15,53%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 12,8 triệu đồng/người; năm 2017 khoảng 18 triệu đồng/người.

 

Cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Sơn và phóng viên trò chuyện cùng vợ chồng ông Hà Đức Chanh tại ngôi nhà mới vừa xây xong.

 

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian tới huyện Tân Sơn xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hợp lý, hiệu quả. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phấn đấu đưa Tân Sơn thoát nghèo vào năm 2020.

CHÂU ANH - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh