CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

Mùa xuân trên biên giới Đắc Xú

 

Những mùa xuân đặc biệt

Có diện tích trên 120 km2, dân số gần 6.000 người, Đắc Xú là xã đặc biệt nằm treo leo trên vùng biên giới của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Gần 10 năm trước, mùa xuân về vùng đất này vẫn còn nhiều ám ảnh bởi cảnh nheo nhóc, lạc hậu, đói. Vậy rồi, cũng chính những ngày xuân như thế, những cuộc “cách mạng” xoay chuyển tâm lý đã đến với cộng đồng người Xê Đăng, Brâu, Ba Na, Kinh… nơi đây. Cứ ngỡ mình đang mơ. Câu nói buột miệng của kỹ sư nông nghiệp Lê Hữu Hậu, người đã có mặt ở Đắc Xú cũng trong mùa xuân cách đây đúng 8 năm là minh chứng sống động cho những đổi thay ở vùng đất này.

Nhìn những con đường kiên cố, những dãy nhà không còn tạm bợ, dột nát, anh Hậu thổn thức; những năm trước, tôi là cán bộ trẻ năng động và hừng hực khí thế muốn đổi thay vùng đất này. Bao người ngăn cản, anh vẫn quyết đi, trong đầu anh lúc nào cũng chỉ nung nấu một ý định, tất cả rồi sẽ khác, các mùa xuân sau phải khác mà đầu tiên phải làm cuộc cách mạng tư duy. Ăn với dân buôn, ngủ với dân buôn, cầm tay dân buôn chỉ việc, chẳng mấy chốc các hộ dân Ba Na, Xê Đăng, B’râu…vùng biên giới này đã biết làm lúa rẫy, biết trồng cây lương thực theo kỹ thuật.

 

                                                  Xuân quây quần và đoàn kết

Rồi, con trâu, con bò trong tiềm thức từ thuở hồng hoang của dân tộc Brâu, Xê Đăng… chỉ dùng để tế thần. Thế mà, anh Hậu mang ra cày, kéo. Các buôn làng túa ra ngơ ngác nhìn. Họ bảo anh chán sống rồi sao mà dám làm ngược lại thần linh. Vàng thật không sợ lửa, dù ngày mưa tuôn hay nắng cháy anh Hậu cũng mang trâu ra cày cho dân xem, năng xuất gấp 10 lầm làm ruộng bằng tay không. Hiệu quả ấy đã xua tan nỗi lo âu, lấn bấn của đồng bào bản địa. Nhà nhà mang trâu, bò ra cày kéo, họ vui như mở hội. Mùa xuân ấy thực sự niềm vui nhân đôi.

Già làng A Hoàng ở làng Đắc Giao bừng sáng niềm tin trên khuôn mặt dạn dày sương gió tâm sự; Sau mùa xuân ấy, các buôn làng từ Đắc Giao, Đắc Long đến làng Chiết đều không tin vào những trò ma quái, cũng không tin vào thầy cúng một cách mù quáng nữa. Vậy nên mùa xuân năm ngoái đã không còn hộ nào đói trong những ngày xuân cả rồi. Năm này thì no đủ, ấm cúng lắm. Các cán bộ giảm nghèo còn thường xuyên về bày cách làm ăn, bộ đội biên phòng thì hướng dẫn cách tránh xa những kẻ xấu mang âm mưu phá hoại, nhất là trong những ngày xuân nên buôn làng nào cũng tự tin vươn lên hết. Ông A Tuyến ở làng Đắc Long cũng mừng rỡ tâm tình; Vấn đề nan giải trong các mùa xuân đó là nước sạch thì giờ nước sạch đã về tận nhà rồi. Nhà nhà có thóc, bắp những ngày xuân hết. Cũng theo ông Tuyến xuân năm Bính Thân trong làng có mỗi 8 cái xe máy xịn thì mùa xuân Đinh Dậu này đã tăng lên gấp 3 lần rồi. Hầu hết các hộ dân trong xã không còn làm nông nghiệp kiểu chọc lỗ chỉa bắp nữa. Hai năm trước, khi còn là Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế Kon Tum, ông Nguyễn Trọng Hảo cũng ngỡ ngàng. Ông bảo; anh thấy đấy sức vươn của một vùng đất  từng là hoang tàn đến rợn người bây giờ đã bung bật một màu no ấm, căng tràn. Bên cạnh các gia đình khá giả, để tạo không khí an vui trong những ngày năm mới, chính quyền các cấp đã triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, giúp một số hộ nghèo biến ước mơ thành sự thật. 

Đoàn kết giữ bình yên

Bây giờ cuộc sống đã tạm ổn. Nhưng vẫn phải quyết tâm quét sạch ma túy, hủ tục và tà đạo. Đó là lời khẳng định cũng là lòng quyết tâm của ông A Linh ở làng Chiết. Nhớ lại những ngày tháng từng "nếm mật nằm gai” ở đường biên giới để phục kích kẻ xấu, ông Linh cùng nhiều chiến sỹ biên phòng tâm sự: Ít năm trước, biên giới còn hoang sơ, có những vách đá cao, đêm buốt rét các chiến sỹ biên phòng cũng phải mật phục những kẻ gieo rắt tà đạo và ma túy thâu đêm. Tội phạm này thường ngụy trang bằng cách giả danh dân tộc đi lấy củ mỳ, củ mạch trên rừng. Chúng còn tinh vi học một số tiếng dân tộc nữa. Bên cạnh đó là ngụy trang bằng giấy tờ giả. Mùa xuân chính là lúc chúng ranh mãnh len lỏi vào các nhà dân để dụ dỗ, lôi kéo. Để góp phần đánh bật kẻ xấu ra khỏi các buôn làng, những già làng đóng vai trò nòng cốt cùng các chiến sỹ biên phòng đến từng nhà dân làm công tác dân vận. Thấu hiểu vấn đề, ai cũng ghét những kẻ reo rắc “cái chết trắng” cả.

Để tạo nên sức mạnh đoàn kết trong toàn dân, Đắc Xú còn tổ chức và nhân rộng các mô hình “xóm đạo bình yên” để mỗi người theo đạo cũng là một trinh sát đặc biệt phát hiện ra cá kẻ xấu muốn xâm nhập vào buôn làng của mình. Các tài liệu về pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và hương ước, quy ước của thôn buôn cũng được truyền đạt sáng tạo đến từng người. Từ đó nhân dân trong các thôn buôn nói chung và bà con giáo dân nói riêng đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước. Không còn cảnh tụ tập quấy phá hay nhậu nhẹt say xỉn vào những ngày đầu xuân năm mới nữa. Mô hình quân dân y kết hợp cũng được phát triển mạnh mẽ ở Đắc Xú, hàng năm tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hàng loạt người dân, nhất là những hộ khó khăn trên địa bàn xã. Để những ngày xuân thật sự ấm cúng và vui tươi, không xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến ngộ độc thực phẩm, cách ăn sôi, uống chín cũng được các chiến sỹ Biên phòng, các y tá hướng dẫn kỹ càng đến từng buôn làng.

Khi đã đoàn kết, luôn nâng cao cảnh giác đề phòng kẻ xấu rồi thì một vấn đề khác được vùng đất biên giới này giữ gìn đó là văn hóa. Đã bước vào tuổi 80, sức khỏe như chuyến tàu đang trượt dần về ga cuối nhưng người đàn ông trầm mặc, có ánh mắt sáng quắc và tinh nhanh ấy vẫn từ sáng đến đêm cần mẫn lau chùi từng chiếc chiêng, nghiên cứu từng đoạn, từng bài chiêng. Ông là Tha Nhẫn. Ông Nhẫn bảo; khó ai bỏ qua được sự hấp dẫn, độc đáo, kỳ bí, mênh mang, da diết... của những điệu chiêng. Vượt qua sự khó khăn của vật chất, sự khắc nghiệt của thời gian và cách trở của không gian, bằng đam mê “máu thịt” một số người già ở vùng biên giới này vẫn giữa lại chiêng quý để biểu diễn trước buôn làng trong mỗi dịp xuân sang. Đó cũng là nét đẹp văn hóa không nên để phôi phai. Đặc biệt ở Đắc Xú còn có một số phụ nữ giữ thói quen dệt thổ cẩm làm quà tặng mùa xuân. Họ quan niệm, dệt thổ cẩm đẹp cũng là một cách đánh giá tính cách các thiếu nữ khi lập gia đình. Qua những tấm thổ cẩm người ta đoán biết người phụ nữ làm ra nó có bàn tay khéo léo, tài hoa, tâm hồn thơ mộng hay không.

 

                                                Sự no ấm ở biên giới

Chia tay Đắc Xú, mặt trời lặn dần xuống chân núi, từng buôn làng ở Đắc Xú bắt đầu nổi lửa, không khí xôi nổi dần lên với những câu chuyện xoay quanh việc chuẩn bị nhu yếu phẩn đón xuân, sự yên bình đã và sẽ mãi hiện hữu ở vùng đất biên cương này khi người người cùng khát khao gìn giữ sự yên bình đó. 

Hà Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh