Xử trí khi trẻ ăn vạ
- Dược liệu
- 21:42 - 06/01/2015
1. Bỏ mặc bé hủy hoại bản thân
Nhiều ý kiến cho rằng khi bỏ mặc đứa con đang nằm gào thét trên sàn nhà chính là cách cho trẻ biết rằng bạn không quan tâm đến chúng. Tuy nhiên các nhà tâm lý khuyên không nên bỏ rơi đứa trẻ khi chúng đang nổi cơn tam bành, thậm chí có thể cào xé tay chân và hủy hoại bản thân. Đừng để trẻ cảm thấy bị bỏ rơi khi chúng đang buồn, dù chúng có cư xử vô lý như thế nào. Việc bạn cần làm khi đó là cố gắng bình tĩnh đứng bên cạnh mà không nhất thiết phải làm hay nói gì.
2. Đưa trẻ ra làm trò cười hoặc bắt chước chúng
Khi trẻ giận lẫy có thể trông rất buồn cười, đặc biệt nếu chỉ vì lý do hết sức vụn vặt. Nhưng đừng vì thế mà đưa trẻ ra làm trò cười hay bắt chước chúng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của bé, bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi mình thực sự buồn vì chuyện gì đó mà người khác lại cười nhạo xung quanh?
3. Cư xử theo chủ nghĩa cá nhân
Những cơn giận lẫy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những đứa trẻ chứ không hẳn vì bố mẹ đã làm sai điều gì. Đứa trẻ mè nheo chỉ vì chúng đang cố đấu tranh để được chiều theo ý mình. Có thể bạn thấy con của những người khác ít giận lẫy hơn, nhưng đừng vì thế mà so sánh với con mình để rồi biến bàn thân trở thành một bà mẹ có cách cư xử tồi tệ hơn. Hãy nhớ rằng không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, không bà mẹ nào giống bà mẹ nào, thế nên hãy cư xử với con như thể bạn là một người mẹ tuyệt vời nhất.
Không nên trừng phạt khi con khóc
4. Tức giận mất kiểm soát
Khi chứng kiến cơn mè nheo của trẻ, nhiều phụ huynh thường dễ tức giận đến mất kiểm soát. Việc quở trách hay đánh con nơi công công cộng là hành động không hay và chẳng giúp ích gì, chỉ làm cho đứa trẻ gào thét to hơn. Bạn có thể mất bình tĩnh khi thấy con nổi cáu ở siêu thị, nhưng hãy nhớ rằng mình không phải là phụ huynh đầu tiên gặp phải chuyện này. Nếu con bạn không chịu nguôi giận, hãy cố gắng đưa bé vào nhà vệ sinh hoặc ra ngoài để chúng có thể xả cơn bực tức ở nơi ít người hơn.
5. Đừng chiều trẻ bất chấp đó là đòi hỏi bất hợp lý
Khi trẻ nằng nặc đòi mua một món đồ chơi đắt tiền và chúng lăn ra khóc, nhiều cha mẹ muốn xoa dịu ngay cơn giận dữ của con nên vội nói: “Được rồi, được rồi, con muốn có cái xe 4 bánh này phải không?” và rồi chiều theo đòi hỏi của đứa trẻ. Đó là cách nhanh chóng nhất để dàn xếp ổn thỏa, mọi chuyện. Thế nhưng bạn đã vô tình gieo vào đầu trẻ ý nghĩ rằng bất cứ khi nào muốn điều gì, chúng chỉ cần lăn ra sàn nhà và gào khóc thì mới được chiều ý.
6. Đừng trừng phạt chúng
Đừng chỉ chăm chăm đánh phạt khi con khóc giận. Cha mẹ nên biết rằng mỗi đứa trẻ là cả một thế giới đầy cảm xúc. Cơn mè nheo chỉ là một trong những cách giao tiếp bởi chúng không có nhiều ngôn từ để diễn tả mong muốn như người lớn. Tâm lý của trẻ không hề xấu hổ khi mè nheo. Tuy nhiên càng lớn lên, cách cư xử đó càng mất dần, cũng như bản thân bạn ngày xưa vậy thôi.