CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:55

Trẻ bị thương tích do phụ huynh bất cẩn

Nhiều nguy cơ

Gia đình là môi trường an toàn nhất đối với trẻ nhưng đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra chỉ vì sự bất cẩn của người lớn. Ngày 22/12, bé gái 20 tháng tuổi ở xã Đức Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình), được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba trong tình trạng tỉnh, quấy khóc, bỏng nặng độ 2-3 vùng đầu mặt, cổ, ngực với diện tích 30%.

Người nhà cho biết, mẹ cháu bé dùng nồi điện để nấu cháo cho bé ăn. Trong khi cháo đang sôi, người mẹ mở nắp đậy để cháo khỏi trào ra ngoài và quay đi làm việc khác. Cháu đã vơ lấy dây điện nồi cháo và kéo giật đổ khiến nước cháo văng vào mặt và ngực gây bỏng nặng. Hiện tại bé vẫn trong tình trạng nguy kịch, được điều trị và chăm sóc đặc biệt.

Một tai nạn đau lòng cũng vừa xảy ra gần đây với bé trai Nhật Ánh (6 tuổi) nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, lưỡi cháy đen và co rút biến dạng sau khi nghịch phích cắm từ máy phát điện năng lượng mặt trời. Tai nạn xảy ra trong khi bố mẹ vắng nhà, Ánh Nhật ở nhà một mình đã cầm chiếc phích nguồn của thiết bị phát điện cho vào miệng nên bị giật.

Ban công nhà cao tầng rất nguy hiểm đối với trẻ.

Khoảng vào giữa tháng 8, cháu bé Q.T. (5 tuổi) đã tử vong do bị rơi từ ban công tại một căn hộ tầng 15, chung cư Bình Khánh (TP. Hồ Chí Minh). Thường ngày, anh P sẽ đón và chăm sóc hai con. Mọi khi đi đón con lớn, anh P. đều gửi cháu T. ở nhà hàng xóm, tuy nhiên hôm đó, anh lại không gửi, để cháu trong phòng rồi tiếp tục đi đón con lớn. Tới 17 giờ anh trở về nhà thì không thấy cháu T. đâu, lao ra ban công tìm kiếm thì thấy đứa con nhỏ đang nằm sõng xoài dưới thảm cỏ.

Một vụ tai nạn hy hữu xảy ra tại Hà Nội gần đây khiến nhiều người khó quên đó là chiếc xe ôtô Kia Morning "bơi" giữa lòng hồ. Trong xe có hai anh em (người anh học lớp 5 và em trai 5 tuổi). Chiếc xe lao thẳng xuống hồ nước có độ sâu gần 2m. Nguyên nhân do bố quên rút chìa khóa nên hai em nhỏ đã tự nổ máy và xe lao xuống hồ. Rất may, người dân gần khu vực xảy ra tai nạn đã kịp thời phát hiện và cứu hai cháu bé ra khỏi chiếc xe đang chìm sâu xuống nước.

Không nên để ổ điện, dây diện trong tầm tay của trẻ nhỏ.

Vật nuôi cũng là thủ phạm

Những vật nuôi thân thuộc trong nhà có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm, gây thương tích cho trẻ bất cứ lúc nào nếu người lớn không để ý trông chừng. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp trẻ phải hứng chịu cái chết thương tâm mà thủ phạm lại chính là những con vật “cưng” trong gia đình. Tại tỉnh Tây Ninh, một bé gái đã bị chó cắn nắt mặt.

Theo người nhà em bé, trong lúc chó đang ăn, bé gái mon men đến gần. Theo bản năng tự nhiên, sợ mất phần, con chó lao vào cắn xé bé gái. Bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh trong tình trạng hoảng hốt, mặt nhiều vết thương, lồi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt lìa, chảy nhiều máu. Các bác sỹ cho biết, vết thương do chó cắn thường rất nham nhở, sau lành thương để lại nhiều sẹo co rút, mất thẩm mỹ.

Một bé trai sơ sinh là con của sản phụ Nguyễn Thị Hồng Đào (20 tuổi) ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bị mèo cào hàng chục vết trên cơ thể. Khi nhập viện, trên người bé có rất nhiều vết trầy xước, nặng nhất là đùi, mông, lưng, toàn thân dính đầy cát.

Được biết, trước đó, chị Đào ra sau nhà để đi vệ sinh lúc gần nửa đêm, rồi người mẹ trẻ đã sinh rớt con trai nặng hơn 4kg. Sản phụ lúng túng đặt con lên bãi cát rồi ngất xỉu. Do nằm nhiều giờ trên bãi cát nên cháu bé đã bị chó mèo cào cấu. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt, rắn cắn gây nguy hiểm đến tính mạng như biến chứng suy gan, suy thận, tiểu huyết sắc tố.Trẻ bị chó mèo dại cắn thường dẫn đến tử vong nếu không được tiêm phòng kịp thời.

Vì vậy, nếu phát hiện trẻ bị chó, mèo cắn, cần tiến hành sơ cứu rửa vết cắn bằng nhiều nước sạch và xà phòng. Nếu trẻ bị chấn thương phần mềm, phủ lên vết thương một miếng vải sạch và băng lại. Nếu nghi trẻ bị gãy xương, trật khớp cần cố định chỗ nghi gãy, chỉ di chuyển trẻ nếu thật cần thiết.

Tình trạng trẻ bất tỉnh cần nhanh chóng làm hô hấp nhân tạo. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Đồng thời, nhốt cách ly con vật đã cắn, theo dõi trong khoảng 7-10 ngày và phải diệt ngay nếu phát hiện chúng có biểu hiện dại: Bỏ ăn, yếu, sủa khàn, rú bất thường, sùi bọt mép...            

Mỗi năm cả nước xảy ra 130.000-150.000 vụ tai nạn thương tích trẻ em, phải chi 31.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đó là chưa kể đến những tổn thất tinh thần có thể kéo dài nhiều năm sau.

Có đến hơn 70% nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em có thể phòng chống được. Vì vậy, việc xây dựng môi trường sống an toàn rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh