THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:29

Xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: 'Lỗ hổng' trong pháp luật

 

Nạn nhân thiếu niềm tin vào cơ quan công quyền?

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em vào năm 1990. Chính phủ đã có riêng Luật Trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, việc bảo vệ trẻ em tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm, trong đó xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là một trong những vấn đề nổi cộm. Theo số liệu của Bộ Công an, trong 3 năm qua, cả nước đã xảy ra hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện hơn 800 vụ xâm hại. Trên thực tế những con số có thể lớn gấp nhiều lần vì còn các vụ việc đã không được trình báo. Điều đáng báo động là chỉ có 10 vụ được đưa ra xét xử.

Nêu lên những nguyên nhân dẫn đến những vụ án XHTDTE dễ bị “chìm xuồng”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh cho rằng, vấn đề chính của các vụ XHTDTE hiện nay là rào cản về tâm lý từ gia đình nạn nhân; sự chậm trễ và thờ ơ của chính quyền địa phương; quá trình thu thập bằng chứng kéo dài và sự đe dọa của người xâm hại.

 

 

Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, người nhà nạn nhân thường xấu hổ và mặc cảm bởi các định kiến xã hội, thiếu niềm tin vào công lý, thiếu hiểu biết về quyền được tiếp cận công lý và các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương. Đáng nói là một số gia đình có xu hướng thỏa thuận dân sự với người xâm hại. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật chưa đặt nguyên tắc bảo vệ an toàn cho nạn nhân lên trên hết; quá trình thu thập bằng chứng kéo dài, nhiều khi khuyến khích thỏa thuận dân sự giữa người xâm hại và nạn nhân. Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xét xử còn nhiều phiền nhiễu, bản án chưa thích đáng cùng sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khiến những nạn nhân không dám hoặc không muốn lên tiếng.

Cần sửa đổi bổ sung Luật hình sự

Về vấn đề này, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội 2, Phòng 6, C45 (Bộ Công an) cho biết, hầu hết các vụ XHTDTE xảy ra nơi vắng vẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập được chứng cứ sinh học. Đối tượng XHTDTE thường là người thân, quen với nạn nhân, chưa có tiền án tiền sự, chưa nằm trong danh sách quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an, nên khi thực hiện hành vi, thậm chí thực hiện nhiều lần nhưng khó được phát hiện ngăn chặn. "Tâm lý, nhận thức của trẻ chưa ổn định, lại bị dư chấn tâm lý về hành vi xâm hại tình dục nên lời khai thường tản mát, thiếu chính xác. Thậm chí thay đổi lời khai hoặc khai theo ý của người giám hộ nên khó thu thập chính xác” – Trung tá Oanh cho hay.

Cũng theo ông Oanh, nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên chưa được đào tạo tập huấn, không có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý làm việc với trẻ. Điều này vô tình tạo áp lực, khiến trẻ sợ hãi và nghĩ rằng mình trở thành kẻ phạm tội. Về phía đơn vị chức năng, do áp lực sợ oan sai nên có tình trạng quá thận trọng, cầu toàn của cơ quan Công an trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ, kiến nghị khởi tố.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng hệ thống luật pháp của nước ta còn lạc hậu, chưa bám sát thực tiễn xã hội. Do vậy, nạn nhân lựa chọn giải pháp hiệu quả, ít thiệt hại hơn như thương lượng, chịu đựng…

 

 

Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, ông Hoàng Ngọc Tuyên – Vụ Pháp chế và Quản lý (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng và quy định theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định tội danh Dâm ô đối với trẻ em” - ông Tuyên kiến nghị.

Luật sư Ngô Anh Tuấn phân tích: “Tội dâm ô theo Bộ luật hình sự 2015 chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi; điều đó khiến cho người đủ 16 tới dưới 18 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội này. Trong khi, người đủ 16 tới dưới 18 tuổi, đang tuổi mới lớn, rất tò mò, manh động nên dễ phạm tội. Người phạm tội “lách luật”, đưa trách nhiệm cho người đủ 16 tới dưới 18 tuổi chịu trách nhiệm để không bị xử lý. Vì vậy, hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này đối với người từ 16 tuổi là hợp lý”.

 

Theo số liệu của Viện kiểm sát, năm 2014 cả nước xảy ra 1.544 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.594 trẻ em bị xâm hại. Năm 2015 xảy ra 1.360 vụ và có 1.371 trẻ em bị xâm hại tình dục. Năm 2016, xảy ra 1.248 vụ và có 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục. Một số địa phương xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục nghiêm trọng trong năm 2016 là: Đồng Nai (78 em); Cà Mau (60 em); An Giang (55 em); Kiên Giang (55 em); Tây Ninh (49 em); Gia Lai (40 em); đặc biệt có vụ xâm hại tình dục 23 trẻ em ở tỉnh Lào Cai; địa bàn một số tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nam bộ có tình hình xâm hại tình dục trẻ em xảy ra phức tạp.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh