THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Xóm chài ven sông Hồng

 

Đắng đót những thân phận tầm gửi…

“Xóm chài” hay “xóm nổi” thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội). Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ là mấy chiếc thuyền quanh năm hiu quạnh ở bãi giữa sông Hồng. Họ là dân tứ xứ, từng phiêu bạt khắp nơi tìm chốn mưu sinh, cuối cùng tụ lại ở một nơi hoang vu bên lòng sông Hồng. Để trụ lại ở xóm chài, họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày. Người dân tận dụng mọi vật dụng có thể như tấm bạt, bao bì, xốp, các thanh gỗ... để dựng lên ngôi nhà “lý tưởng” của mình. Hiện tại, xóm chài có 26 hộ gia đình, với từng đấy tỉnh thành khác nhau như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế....

Cả xóm có 7 hộ độc thân chủ yếu là người già, còn lại hộ nào cũng 3 đến 4 người. Ngay từ sớm, những người dân ở đây đều túa đi các ngả để nhặt rác hoặc làm thuê. Ở nhà chỉ có người già và những đứa trẻ quanh quẩn bên sông nước. Tiếng là xóm vạn chài nhưng ở đây không mấy ai làm nghề chài lưới mà chủ yếu họ làm ăn trên bờ, làm đêm ở chợ hoa quả Long Biên. Người thì gánh hàng, người làm xe đẩy, có người làm ở chợ tôm, cá. Hầu hết thanh niên trong xóm đi chở bánh kẹo, chở bình nước lọc, làm đủ mọi nghề có thể kiếm được thu nhập. Ông Đỗ Duy Muộn, người xóm nổi cho hay: “Cuộc sống ở đây chật vật lắm, chúng tôi may mắn có đất để dựng ngôi nhà cấp 4, có ruộng muống, mảnh khoai để làm. Chứ họ ở dưới xóm chài còn khổ gấp mấy lần...”

Trong căn nhà lụp xụp, mấy con gà cào bới trên nền nhà bằng đất nện, ông Nguyễn Đăng Được, trưởng xóm chài tiếp khách trong bộ quần áo xộc xệch, chân tay lấm lem bùn đất vì vừa ra đồng về. Châm điếu thuốc lào, thả một hơi khói dài đăm chiêu nhìn xuống xóm chài, ông cho biết: “Tuy là dân tứ xứ, nhưng dân xóm chài đều cùng chung hoàn cảnh là  không có giấy tờ, cũng chẳng có sổ hộ khẩu nên các cháu sinh ra không được khai sinh, các cặp vợ chồng không có cưới xin, không đăng kí kết hôn; bọn trẻ con đều bị coi là con ngoài giá thú”. Có những người có tiền án, tiền sự, sau khi mãn hạn tù về, họ ra xóm lập thuyền mưu sinh, gặp người hợp với mình và “chắp” lại thành một gia đình. Việc học hành của trẻ con ở đây là nỗi niềm trăn trở. Phải nhờ vào các lớp học tình thương, các em mới được tiếp xúc với con chữ. Cả xóm có 2 em vào cấp II, 1 em vào cấp III nhưng cũng dở dang. Vì sống biệt lập trong xóm, nên những đứa trẻ nơi đây cũng bị nhiều thiệt thòi. Nhìn lên trên là cầu Long Biên và những dòng xe đông đúc đi lại, nhưng nhiều đứa trẻ xóm chài này chưa từng biết đến tô phở hay những trò chơi hiện đại.

 

Không có bờ mà lên...

Xóm chài tồn tại đến nay đã gần 30 năm. Ngày xưa bãi sông Hồng này chỉ toàn cỏ lau, từ khi có người đến ở họ khai hoang thành bãi bồi và làng chài như bây giờ. Cứ người nọ giới thiệu người kia đến và thành lập nên xóm chài. Mặc dù ở ngay trung tâm Hà Nội, nhưng cuộc sống của họ gần như tách biệt với không gian đô thi nhộn nhịp.

Bà Tân sinh năm 1961, quê Hưng Yên vì cuộc sống không còn nơi bấu víu đã tìm đến xóm chài năm 2010. Trước kia bà cũng làm nghề “nhặt giấy”. Mấy năm nay, sức khỏe yếu bà nhận trông trẻ để kiếm đồng ra đồng vào rau mắm qua ngày. Nhắc tới chuyện lên bờ xây nhà để sống, bà thở dài nhìn ra mặt nước lăn tăn qua tấm liếp gỗ. Nóc lều bên cạnh, ông Thảo 80 tuổi quê Nam Định, vừa mất đi người bạn đời, nhìn ông gầy rạc hom hem chán nản mà thương tâm. Ông cho biết: “Còn gì đâu mà sống, vừa buồn vừa thiếu thốn đủ thứ mệt lắm, giờ chỉ trông vào người ta cho gì nhận đấy chứ bảo di dời thì biết đi đâu, có bờ đâu mà lên?”. Trẻ con ở đây không được trông coi cẩn thận, nguy cơ bị rơi xuống sông rất cao, nào có phải họ muốn chôn chân ở đây, nhưng còn chỗ nào có thể cưu mang họ?

Cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác của các hộ dân ở xóm chài tại bãi giữa sông Hồng.

Hiện cuộc sống của những người dân xóm bãi giữa sông Hồng có nói là tạm yên ổn vì mưa bão không nhiều, hàng ngày họ đi nhặt rác, bốc vác, làm thuê…để kiếm tiền sinh hoạt. Nhưng khi mưa bão, lũ lụt, nước dâng, những căn nhà nổi này phải đối mặt với đầy rẫy hiểm nguy. Cuộc sống của họ dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Cứ như thế, cuộc sống của những con người xóm bãi giữa trôi nổi theo dòng nước giống như cuộc đời, số phận của họ vậy. Họ luôn mơ ước đến một ngày được đủ đầy, được sống trong những căn nhà khang trang như thế giới đô thị nhộn nhịp ngoài kia. Nhưng có lẽ đó mãi mãi chỉ là mơ ước.    

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh