Xóa rào cản để phụ nữ khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:43 - 04/11/2015
Vượt qua sự tự ti của chính bản thân.
“Rào cản lớn nhất đối với lao động khuyết tật đó chính là sự mặc cảm với những tật nguyền của bản thân, chính điều này khiến họ rất ngại xuất hiện ở những nơi đông người hay chợ việc làm để tìm việc. Đối với người khuyết tật nói chung là vậy, tuy nhiên đối với những người khuyết tật nữ, rào cản này lại dường như lớn hơn rất nhiều so với phần lớn đối tượng là nam giới. Vì vậy, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội, tiếp cận việc làm đối với họ lại càng trở nên khó khăn hơn”, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng cho biết tại một phiên chợ việc làm cho người khuyết tật.
Thực tế cho thấy, bản thân nhiều người khuyết tật là nữ giới vẫn có thể làm được những công việc phù hợp với bản thân họ, nhưng chính sự tự ti, mặc cảm, không đủ can đảm để đến doanh nghiệp tìm việc làm đã khiến họ không thể có được công việc như họ mong muốn, thậm chí không ít trong số đó chấp nhận chịu cảnh thất nghiệp, từ chối sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội.
Lao động nữ khuyết tật đã tự tin bày tỏ nguyện vọng với doanh nghiệp tại chợ việc làm.
Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động khuyết tật, đặc biệt là lao động nữ, giúp họ sống hòa nhập, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đã có rất nhiều giải pháp tích cực như hỗ trợ sinh kế, cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...với mong muốn có nhiều hơn nữa những người khuyết tật được tiếp cận cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống.
Để tìm ra những giải pháp hỗ trợ cho lao động khuyết tật này, Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng đã mở hẳn cả những gian hàng tuyển dụng lao động khuyết tật ngay trong các phiên chợ giao dịch việc làm do Sở và Trung tâm giới thiệu việc làm TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Rất nhiều đại diện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người khuyết tật tại đây được bố trí là những cán bộ nữ để vừa có thể tư vấn tâm lý, cũng như công việc phù hợp cho đối tượng lao động nữ khuyết tật khi có nhu cầu.
Tạo cơ hội, tuy nhiên để lôi kéo người khuyết tật, mà nhất là đối tượng lao động nữ đến và tham gia vào hoạt động lại không hề dễ dàng, chính vì vậy một phiên chợ việc làm dành riêng cho đối tượng thuộc diện di dời giải tỏa và người khuyết tật đã được Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức. Đã có hơn 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 400 lao động khuyết tật, trong đó có rất nhiều ngành nghề phù hợp cho người khuyết tật là nữ giới như may mặc, tranh thêu, đánh máy vi tính...đã thực sự đưa người khuyết tật nữ đến gần hơn với cơ hội việc làm.
“Trước đây mình không đủ tự tin để đến chợ việc làm dù bản thân mình rất muốn có một công việc phù hợp để có thu nhập cho cuộc sống. Giờ thấy những người như mình cùng đến tìm việc, thì không có lý do gì mình lại không thực hiện điều mà mình luôn mong mỏi”- chị Nguyễn Thị Thu, người khuyết tật quận Thanh Khê chia sẻ.
Công tác tư vấn tâm lý, tư vấn việc làm đóng vai trò quan trọng.
“Bản thân người khuyết tật chưa nhận ra được những lợi thế của họ khi đi tìm việc làm. Mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân khiến họ khó có thể nhận ra lợi thế, điểm mạnh của mình là gì, điều này xảy ra ở rất nhiều lao động nữ khuyết tật”-bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng chia sẻ.
Nắm bắt được tâm lý này, ngay tại các phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật được tổ chức, công tác tư vấn về tâm lý, năng lực việc làm cho lao động nữ được chú trọng. Tại đây các chuyên gia tư vấn của Trung tâm Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng sẽ tiếp cận từng lao động khuyết tật, tư vấn cho họ, giúp họ nhận ra được những điểm mạnh của mình, để từ đó tìm được những ngành nghề phù hợp với bản thân họ.
Chị Lê Hiền Hạnh, người khuyết tật trú tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết: “Chính nhờ sự tư vấn về tâm lý cũng như những cơ hội việc làm phù hợp với khả năng mà mình đã mạnh dạn ứng tuyển vào công việc văn phòng, máy tính mình luôn mong ước bấy lâu”. Không chỉ chị Hạnh, bạn Huỳnh Thị Kiều, quận Sơn Trà sau khi được tư vấn cũng đã quyết định đến bàn phỏng vấn của doanh nghiệp để đăng ký nguyện vọng việc làm, cho chính mình cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Như vậy, với sự nỗ lực từ chính bản thân người khuyết tật, sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành cùng các các doanh nghiệp và xã hội, người khuyết tật nữ hoàn toàn có cơ hội khẳng định bản thân mình, vượt lên sự tự ti, mặc cảm để trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội như bao người bình thường khác thông qua việc tiếp cận cơ hội việc làm cũng như sự tư vấn về tâm lý, khả năng bản thân...