Xí nghiệp MTĐT Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm tốt chính sách cho người lao động
- Pháp luật
- 21:34 - 11/06/2016
Công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, độc hại. (Ảnh urenco)
Theo phản ánh của nhiều lao động của Xí nghiệp Môi trường đô thị (MTĐT) huyện Thanh Trì (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO), gửi đến Báo LĐ&XH, mặc dù đã làm việc nhiều năm nay, thế nhưng nhiều người không được xí nghiệp kí hợp đồng dài hạn, mà chỉ kí năm một. Đã thế người lao động còn không được giữ lại bản hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Quy định của xí nghiệp trả lương vào ngày 15 đến 25 hàng tháng, thế nhưng thường xuyên bị chậm lương 1 tháng, thậm chí là 2 tháng. Phía xí nghiệp cũng không công khai bảng lương cho công nhân được biết, mà chỉ được nhận lương thông qua tổ trưởng, và ký nhận vào sổ cá nhân hoặc viết tay... Theo đó, người lao động được hưởng thấp hơn nhiều so với mức được nhận.
Mặt khác, thời gian làm việc là 8 tiếng mỗi ngày, thế nhưng thực tế họ phải làm 10 tiếng. Ngoài ra mỗi tháng mỗi người phải làm thêm ít nhất 4 buổi công ích không được trả lương (mỗi buổi 3 tiếng). Không những thế, hiện mỗi công nhân đang phải quản lý 2km đường, trong khi đó theo quy định của xí nghiệp mỗi người chỉ quản lý và làm vệ sinh 1km mỗi chiều, nhưng họ phải làm luôn 2 chiều.
Làm việc với PV Báo LĐ&XH, ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch công đoàn Xí nghiệp MTĐT huyện Thanh Trì cho biết, xí nghiệp được thành lập từ năm 1996, trực thuộc UBND huyện, toàn bộ cán bộ, công nhân viên trước đây (khoảng 30 người) đều là hợp đồng dài hạn. Đến năm 2004 - 2005, xí nghiệp trúng thầu làm vệ sinh, môi trường thêm một số địa bàn trên quận Hoàng Mai, thời hạn hợp đồng là 5 năm, nên đã tuyển thêm khoảng 100 lao động để đáp ứng khối lượng công việc mới. Vì không biết hết 5 năm phía quận Hoàng Mai có kí tiếp với xí nghiệp hay không, nên toàn bộ lao động tuyển mới đều là hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng. Hiện xí nghiệp có khoảng 400 lao động.
Khi PV hỏi, hết thời hạn 5 năm phía quận Hoàng Mai có kí tiếp hay không? Ông Hưng cho biết, đến năm 2016, hợp đồng đã hết hiệu lực, nhưng thành phố mới đưa ra một số tiêu chí mới như cơ giới hóa... nên phía xí nghiệp đang làm theo đơn đặt hàng của quận Hoàng Mai, kí 3 tháng một, đến tháng 8/2016 mới làm hồ sơ, thủ tục để đấu thầu lại. “Nếu đến tháng 8 này trúng thầu lại thì xí nghiệp sẽ xem xét kí hợp đồng dài hạn cho những người làm việc trên 4 năm”. Có nghĩa là những lao động làm dưới 4 năm vẫn chỉ được ký HĐLĐ 12 tháng/lần.Như vậy vì lý do gì mà cho đến nay, việc trúng thầu làm vệ sinh môi trường đô thị ở quận Hoàng Mai đã hơn 10 năm, nhưng hàng trăm lao động của xí nghiệp vẫn chưa được kí HDLĐ dài hạn, khiến quyền lợi của họ bị bỏ rơi?. Về việc giữ lại HĐLĐ của công nhân, ông Hưng thừa nhận là có. Ông Hưng lý giải lý do giữ lại HĐLĐ mà không cho công nhân giữ lại bản nào là để tránh tình trạng làm mất bản gốc. “Biết là sai luật, nhưng vì người lao động nên phía xí nghiệp mới giữ lại” (!).
Còn về chậm tiền lương, ông Hưng cho hay, vì một số lý do như bảng chấm công, khối lượng nghiệm thu... liên quan đến hồ sơ giấy tờ khác, nhưng thường chỉ mấy ngày chứ không phải chậm 1 đến 2 tháng như phản ánh. Bên cạnh đó, lao động phản ánh mỗi tháng phải làm việc công ích 4 buổi không được trả lương. Theo ông Hưng, thực hiện kêu gọi của các cấp chính quyền năm văn minh, trật tự đô thị, công đoàn xí nghiệp đã khởi xướng mỗi công nhân mỗi tháng bỏ ra một buổi (3 tiếng) lao động công ích, dọn vệ sinh, và thực hiện từ đầu năm đến nay.
Việc mỗi lao động phải làm 10 tiếng mỗi ngày, theo ông Hưng trừ trường hợp xe rác hỏng, hoặc đến chậm vì tắc đường thì mỗi tổ thường cử ra một người ở lại sửa xe, chờ xe đến. Đây là trường hợp bất đắc dĩ chứ không có chuyện mỗi ngày phải làm 10 tiếng. Chúng tôi luôn đảm bảo mọi chế độ như đóng BHXH, BHYT...