THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 09:14

Thẩm định cho vay nghìn tỷ trên giấy

 

Các bị cáo trong phiên xử ngày 21/12.

“Không nhớ nhưng khai tại cơ quan điều tra là đúng”

Trả lời HĐXX, bị cáo Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, bị truy tố 2 tội Vi phạm quy định về cho vay và Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ) cho rằng đã quên khá nhiều nội dung trong vụ án. Bà Hiền cho hay, bản thân không còn nhớ đã ký nháy vào các tài liệu liên quan đến tính khả thi của dự án thuộc Cty Lifepro để nâng quyền phán quyết, cho doanh nghiệp này vay tiền. Thấy vậy, chủ tọa phiên toà đã nhắc, quá trình khai nhận tại cơ quan điều tra, bị cáo đã thừa nhận có ký. “Bị cáo không nhớ nhưng lời khai tại cơ quan điều tra là đúng” - bà Hiền thừa nhận. Cũng theo bị cáo này, thẩm quyền phê duyệt các nội dung thẩm định dự án thuộc về giám đốc chi nhánh, tức là bà Phạm Thị Bích Lương.

Liên quan đến các khoản giải ngân cho thương vụ mua 6 thương hiệu của Cty Lifepro, bị cáo Hiền khẳng định đã làm theo chỉ đạo của cấp trên và không hưởng lợi. Tuy nhiên, bà Hiền thừa nhận đã được bà Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) “cho”  50.000 USD  từ thương vụ liên quan đến Cty Enzo Việt và 800 triệu đồng từ khoản tiền “lại quả” 3 tỷ từ Lê Minh Hiếu, Giám đốc Cty cổ phần Vietmade. Về hoạt động thẩm định dự án,  bị cáo Hiền thừa nhận mình đã sai phạm khi chỉ đánh giá kết quả của Cty Lifepro trên giấy tờ.

HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo về khâu thẩm định hồ sơ dự án. Theo đó, các bị cáo Trương Thị Út (SN 1967, cựu Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Nam Hà Nội) và Đỗ Tiến Long (SN 1975, cán bộ tín dụng) đều cho rằng, việc ký vào văn bản thẩm định nhằm hợp thức hồ sơ và đó là những tài liệu đã được chuẩn bị từ trước, các bị cáo này chỉ việc đặt bút ký. “Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết chủ sở hữu các thương hiệu đó là không có thật” – bị cáo Long khai.

Cấp trên không biết nhân viên làm sai?

Đến phần mình, cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội- Phạm Thị Bích Lương khai, bị cáo có quyền cho vay đến 80 tỷ đồng. Thời điểm bà Lương lên chức Giám đốc chi nhánh, Cty Lifepro đã là khách hàng “ruột” trước đó. Với khoản vay quá lớn của Cty Lifepro, lãnh đạo chi nhánh buộc trình cấp trên để phê duyệt. Tại toà, bị cáo Lương quả quyết, không biết các nhân viên trong tổ thẩm định đã làm sai khi không tiến hành thẩm định hồ sơ theo quy định. Theo bà Lương, sau khi tổ thẩm định làm việc, cấp phó (bị cáo Hiền) đã tự ký nháy để trình lên cấp trên phê duyệt.

Khai nhận về việc giải ngân sai quy định cho Cty Lifepro mua nguyên liệu “ảo” từ nước ngoài, bị cáo Lương cho rằng, trên các tài liệu liên quan đã chứng minh đầy đủ thẩm quyền (như xác nhận của cơ quan hải quan) nên bị cáo mới thực hiện việc giải ngân. “Bản thân bị cáo tin tưởng hàng sẽ về, nhưng ai ngờ đã bị lừa” - bị cáo Lương tỏ vẻ chua chát.

Cũng theo lời khai của cựu Giám đốc chi nhánh, trong hành vi giúp doanh nghiệp giải ngân, bà này không được hưởng lợi. Về chiếc siêu xe trị giá hơn 3 tỷ đồng bị cơ quan điều tra xác định là quà biếu của đối tác, bà Lương khẳng định chỉ nhờ mua.

Giám đốc chi nhánh chỉ đạo trực tiếp

Tại phiên toà hôm qua, cơ quan truy tố đã nêu rõ trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Theo đó, cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng được xác định là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, dẫn đến thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Tài liệu truy tố khẳng định, bị cáo Phạm Thị Bích Lương là người ký đề nghị Hội đồng quản trị (HĐQT) Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay, giải ngân. Theo đó, bà Lương được cho đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị nâng quyền giải quyết cho vay đối với Cty Lifepro hoàn toàn không có căn cứ, thực tế không thẩm định, chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp.

Ngoài ra, bị cáo Lương còn bị cáo buộc đã chỉ đạo trực tiếp và tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với Cty Lifepro, cố tình bỏ qua các điều kiện giải ngân cho vay theo quy định tại các nghị quyết của HĐQT Agribank. Toàn bộ quá trình phạm tội của cựu giám đốc chi nhánh được sự hỗ trợ đắc lực của cấp phó Chử Thị Kim Hiền. Bởi vậy, 2 bị cáo này đã bị cáo buộc 2 tội danh giống nhau, với khoản tiền thiệt hại liên đới hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngày hôm nay, Toà tiếp tục làm việc với phần thẩm vấn.

 

Nội dung vụ án

Kết quả điều tra thể hiện, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng nhóm lãnh đạo Cty Lifepro đã tạo dựng hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được phía ngân hàng phê duyệt, giải ngân. Trên cơ sở đó, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 2.425 tỷ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Đối với nhóm cán bộ ngân hàng, cơ quan truy tố khẳng định đã có hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Cty Lifepro không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ cho vay cũng như việc bỏ qua các điều kiện giải ngân theo quy định, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định; cựu Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân bị truy tố 2 tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi ký cho Agribank Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh