THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:42

Thi THPT Quốc gia 2016: Xét tuyển theo nhóm có lợi cho nhà trường, thí sinh

 

Khắc phục tình trạng thí sinh ảo   

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng các trường trong nhóm công khai đề án lên trang thông tin của trường và các phương tiện truyền thông để thí sinh (TS) biết. 8 trường sử dụng chung một phần mềm quản lý dữ liệu đăng ký xét tuyển và xét tuyển do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2016, TS được đăng ký xét tuyển tối đa vào hai trường (trong đợt 1) và ba trường vào các đợt bổ sung, tối đa hai nguyện vọng vào mỗi trường và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Khi thực hiện xét tuyển theo nhóm vừa có lợi cho nhà trường và TS. Các trường ĐH xét tuyển theo nhóm đều phải thực hiện những quy định chung của nhóm đề ra. Nếu TS đã trúng tuyển vào trường nào thì không được xét tuyển vào trường khác. Điều này sẽ giúp cho các trường khắc phục được tình trạng TS ảo.

“Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm, chủ động tập hợp lại với nhau để TS đăng ký. Sau khi TS trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không có xét tuyển đợt tiếp theo, tránh hiện tượng ảo đối với các trường trong nhóm. Ví dụ, quy định của Bộ là trong đợt 1, TS được nộp tối đa vào hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, nhưng nếu TS nộp nguyện vọng vào nhóm trường thì có thể nộp vào 4 trường trong nhóm cùng ngành. TS không trúng tuyển trường tốp trên có thể trúng tuyển trường tốp giữa hoặc tốp dưới. Điều này khuyến khích các em chọn ngành yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Tăng cơ hội nếu TS đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.

Theo Bộ GD&ĐT, việc xét tuyển vào nhóm trường còn khắc phục được tình trạng TS có thể đạt điểm cao nhưng bị trượt ĐH, vì số lượng TS ảo nhiều khiến các em không biết đăng ký như thế nào. Khi TS đã đăng ký xét tuyển vào hai trường trong nhóm ở đợt 1, hoặc ba trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm. TS phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Thí sinh được lợi gì?

Nói về xét tuyển theo nhóm, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, do Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 đưa ra mỗi TS đăng ký vào hai trường, mỗi trường tối đa hai nguyện vọng, cho nên trường ĐH Bách khoa cũng như một số trường nhận thấy việc cho phép như vậy tạo điều kiện tự do hơn cho TS. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác lại tạo vấn đề lớn là TS ảo. Vì vậy, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng một số trường khác đã họp và bàn xây dựng đề án xét tuyển chung.

Trước những lợi ích của TS khi đăng ký theo nhóm trường, ông Sơn cho rằng: “Khi TS đăng ký theo nhóm trường, ngoài mức điểm chuẩn là thực, bên cạnh đó các em được tự do lựa chọn nguyện vọng mà mình yêu thích. Theo quy chế, TS cũng có thể đăng ký cả hai nguyện vọng trường trong nhóm và hai nguyện vọng trường ngoài nhóm. Nếu các em muốn đăng ký cả trường xét tuyển theo nhóm và trường xét tuyển ngoài nhóm thì các em chỉ nên đăng ký hai nguyện vọng trong nhóm trường và hai nguyện vọng vào trường không xét tuyển theo nhóm. Các em sẽ không mất quyền lợi trong việc xét tuyển theo nhóm này”.

Còn theo ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Khi đăng ký vào nhóm trường như vậy, các em sẽ có các nguyện vọng, ít nhất là một nguyện vọng trong nhóm và nhiều nhất là bốn nguyện vọng ở bốn trường khác nhau cho bốn ngành khác nhau ở trong nhóm. Cụ thể, em yêu thích Công trình thủy lợi mà trong nhóm trường ấy có bốn trường đào tạo. Như vậy, các em có thể đăng ký vào bốn ngành khác nhau trong khối trường ấy. Các em sẽ có thứ tự ưu tiên, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, nguyện vọng 4. Những em đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì sẽ không xét tuyển nguyện vọng 2 nữa”.

HOA HẠ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh