THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:36

Xét tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 3 năm 2015: Nhiều trường vẫn gặp khó

 

Tân sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông Hà Nội làm thủ tục nhập học

Nơi “ăn” không hết, nơi lần chẳng ra!

Trong khi các trường dân lập vắng bóng thí sinh, thì đối với nhiều trường công lập lại "bội thu" hồ sơ. Theo ghi nhận, các trường ĐH công lập tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ cho đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển bổ sung. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đợt này, trường xét tuyển 119 chỉ tiêu cho các ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, công tác xã hội, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất.

Đến thời điểm này, việc tuyển sinh của trường có thể coi là khá khả quan khi số hồ sơ nộp vào trường khá cao. Tương tự, Trường ĐH Điện lực (Hà Nội) tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ, nhưng sau một nửa thời gian xét tuyển, đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng nhận được số hồ sơ xét tuyển nhiều hơn với 290 chỉ tiêu bổ sung cho hệ ĐH và CĐ ngay khi mới xét tuyển được một nửa thời gian.Tuy nhiên, số các trường được hưởng niềm vui “bội thu” nói trên vẫn còn quá nhiều trường ĐH vắng bóng thí sinh tới nộp hồ sơ trong những ngày xét tuyển vừa qua. ĐH Lâm nghiệp Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại cũng chỉ nhận được hơn 800 hồ sơ và vẫn còn hơn 1.000 chỉ tiêu cần tuyển. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, với hơn 4.000 chỉ tiêu nhưng trường chỉ mới có trên 1.000 hồ sơ xét tuyển. Đáng chú ý trong số này là ĐH Tài chính-Ngân hàng Hà Nội cũng mới nhận được khoảng 700 chỉ tiêu trên tổng số 1.200 chỉ tiêu...

Tương tự, một số trường ĐH ở TP. Hồ Chí Minh cũng chung cảnh ngộ. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa thông báo còn 2.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng đợt 3. ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết sẽ xét tuyển thêm khoảng 555 chỉ tiêu ĐH và 450 chỉ tiêu CĐ. ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục xét tuyển thêm cho tất cả các ngành đào tạo.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Ít thí sinh, nhưng vẫn lo ảo”

Bên cạnh nỗi lo tuyển đủ thí sinh, các trường còn phải đối mặt với tình trạng hồ sơ "ảo". PGS,TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở, bởi ở đợt này các em được đăng ký tới 3 trường. Nỗi lo thí sinh "ảo" không chỉ xuất phát từ mối liên hệ giữa các trường với nhau, mà còn có trong chính mỗi trường bởi mỗi thí sinh được quyền đăng ký 4 ngành cho mỗi trường. Các trường đa ngành chính là những trường dễ gặp phải tình trạng này nhất. Các nhà tuyển sinh cảnh báo rằng tỷ lệ "ảo" còn tăng cao do năm nay thí sinh được nộp bản photocopy phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ngoài ra, kể cả thí sinh đã trúng tuyển nhưng nếu đó không phải là ngành ưa thích thì khả năng các em bỏ nhập học là rất cao...

Trao đổi trong một buổi tư vấn tuyển sinh mới đây, PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ của các thí sinh năm nay là rất lớn, nhưng với điều kiện thí sinh phải có cách tính toán hợp lý. Với cách đăng ký hồ sơ xét tuyển này, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm đỗ ĐH, CĐ. Theo tôi, thí sinh năm nay rất khó trượt, nếu trượt là do cách tính toán của các em sai lầm, hoặc quyết định chỉ học những trường mình yêu thích.

 

Tân sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông Hà Nội làm thủ tục nhập học

 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc đợt 2, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh thêm các đợt nguyện vọng bổ sung sau. Thí sinh đã trúng tuyển, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Đợt 3, các trường nhận đăng ký từ 11/9 đến 21/9, công bố kết quả trước 24/9. Đợt 4, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận đăng ký từ 25/9 đến 15/10 và công bố kết quả trước 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.

Từ 20/10, các trường CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu, chủ động công bố thời gian nhận đăng ký xét tuyển và công bố kết quả trước 20/11. Tuyển sinh CĐ kết thúc ngày 21/11.

Cù Hòa/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh