THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:54

“Xe buýt” đường sông Cà Mau

Cảm giác mạnh với vua đường sông

 Là hành khách có mặt trên một chuyến tàu cao tốc từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi, dài 120km đi đường sông chỉ hết 3 tiếng đồng hồ. “Về miền Tây, chỉ có đi tàu cao tốc là sướng nhất!”, anh bạn mới quen ở bến tàu Cà Mau quả quyết. Quả là sướng thật: Con tàu lướt nhẹ giữa sóng nước bồng bềnh, gió mơn man, Tha hồ để tâm hồn bay bổng, mơ mộng xa xôi...

Tàu rời bến chừng hơn 1km, qua khỏi trạm cảnh sát giao thông và vùng sông ken đặc ghe thuyền, lập tức rồ ga, tăng tốc. Cảm giác êm ái ban đầu lập tức được thay bằng... cảm giác mạnh, với những cú quăng lên, quật xuống nơi đầu ngọn sóng, những pha đánh võng liên hồi. Nhưng nhìn bác tài công bình thản tay cầm điếu thuốc phì phèo, tay cầm vô lăng lắc qua lắc lại một cách điệu nghệ, hơn 20 khách trên tàu cũng cảm thấy yên lòng.

Tàu chở khách trên sông Cà Mau.Tàu chở khách trên sông Cà Mau.

Đang lao đi ngon trớn, bỗng con tàu phanh gấp khiến mọi người ngã dúi dụi về phía trước. Ngay sau đó là một cú cua gấp khiến con tàu đổ nghiêng, tưởng như sắp lật. Từ giữa sông, con tàu quay ngoắt vào bờ, nơi có một người đàn ông tay ôm đứa con nhỏ đang đứng chờ, hàng hóa lỉnh kỉnh xếp quanh.

Thì ra là “bắt khách”. “Ở miền Tây này, cứ ra dọc bờ kênh đón tàu là tiện nhất!”, lại là nhận xét chí lý của anh bạn miền Tây. Kể từ đó, cứ chạy một đoạn, con tàu lại ghé vào bờ bắt khách. Chẳng mấy chốc, tàu đã chật cứng, hơn chục người phải ngồi ghế phụ. Không hề gì, nó vẫn lướt đi băng băng.

Hai bên, các xuồng câu, đò ngang, thuyền chở hàng đều dạt sang tránh đường với thái độ đầy “lễ phép”. Chân lý thuộc về kẻ mạnh, chẳng ai dại mà dây vào...

Đến thị trấn Năm Căn, tàu vừa ghé vào bến, một toán các cô bán hàng rong đã nhảy xuống, nhanh chân len vào khoang hành khách. Cả tàu nhốn nháo người bán kẻ mua. Nhưng cũng chỉ trong giây lát, tàu lại trở đầu, tiếp tục hành trình về Đất Mũi. Nhấn ga cho tàu tăng tốc để đua với một “đồng nghiệp” đang cố vượt lên trên hòng giành khách, bác tài công cười nhạt: “Đây nào đã biết thua ai bao giờ!”.

Tàu chở khách trên sông Cà Mau.Đón tàu ven sông.

Chiếc tàu “địch thủ” đã ở rất sát, có nguy cơ va vào tàu mình. Chắc chắn sẽ là một cú va chạm kinh hoàng. Mọi người kêu lên hốt hoảng. Bác tài công lại cười nhạt: “Dân ở đây bơi giỏi như cá. Có chìm cũng chẳng ai chết đâu mà lo!”. Rồi tiếp tục nhấn ga, bẻ lái, ép chiếc tàu nọ dạt sang lề...

Chuyện đời, chuyện người...

 Suốt hành trình 3 tiếng đồng hồ, hàng chục lần tàu ghé vào bờ để trả, đón khách. Mỗi lần tàu ghé, mấy người nhà ở gần đó lại xúm ra coi có người thân ở xa về không? Con em họ, đứa lấy chồng xứ Đài, đứa làm công nhân ở thành phố. Không có, lại ngồi phệt bên sông trông chờ như thể sớm muộn rồi cũng có người về lại quê xưa.

Trên tàu, cô gái trẻ nổi bật với nước da trắng hồng, ngồi cạnh một bà già lam lũ, luôn miệng chuyện trò. “Mới hơn 3 năm mà khúc sông này khác quá. Cái cửa hàng tạp hóa kia ngày nào còn vách lá, giờ đã lên nhà tường, mái ngói”, cô gái thảng thốt. Bà già hỏi: “Cuộc sống con ở bển ra sao?”.

Cô cười mà ứa nước mắt: “Con thôi chồng rồi. Cái thằng chỉ biết ăn rồi bài bạc, chẳng chịu làm lụng gì”. Bà nhìn cô gái, ánh mắt xót xa: “Vậy mà con không báo gì cho má...”. Cô gái phân trần: “Tụi bạn con ở Đài Loan đều vậy cả, chẳng mấy đứa có được hạnh phúc”. Cả hai người lặng đi hồi lâu...

Tàu chở khách trên sông Cà Mau.Hàng rong lên tàu.

Hai người phụ nữ, một già một trẻ, ngồi hàng trên bất chợt gặp người quen mới xuống tàu, chuyện trò rôm rả. “Nghe nói vụ tôm này bà thắng đậm?”, bà khách mới khơi chuyện. Trả lời: “Cũng được thôi, mỗi ngày kiếm vài trăm, đủ sống”. “Làm khá vậy, tiền để đâu cho hết?”. “Thì lo cho con Út này đi học trên thành phố, muốn mua cho nó cái nhà, ra trường lấy chồng, mà mãi chưa đủ”, bà chỉ cô gái.

Cô đỏ mặt thẹn thùng. Một bà khác, ngồi ở phía dưới xen ngang: “Nghe nói cậu bác sĩ bữa trước con Út dẫn về đẹp trai lắm hả?”. “Cũng dăm bảy mối ấy chứ, nó còn kén lắm!”, mẹ cô gái tự hào. “Tui thì dễ, con Tư nhà tui ngày mốt có đám dạm rồi. Thằng Trọng con ông Ba Lành ở xóm trên đó.

Để con nó lấy nông dân làm tôm, trồng lúa cho chắc ăn”, bà bạn mới xởi lởi, đúng với tính cách của người miền Tây. Câu chuyện “dựng vợ gả chồng” cho con cái chẳng mấy chốc biến thành đề tài chung, có tới hơn nửa số hành khách trên tàu góp chuyện. Có cảm giác như trên con tàu nhỏ bé này, mọi người trở nên dễ gần, dễ thân quen với nhau hơn.

Đang say chuyện, mọi người bỗng giật thót mình. Một chiếc tàu cao tốc chạy ngược chiều vừa lướt qua, đẩy sóng quăng con tàu chúng tôi lên cao, rồi thả xuống đánh phịch. Con tàu lảo đảo, chực lật úp. Một bà chừng là khách quen ra vẻ thông thạo: “Cẩn thận, khúc cua này hồi năm ngoái đã lật tàu, chết người rồi đó!”.

Rồi bà kể chuyện một người quen, anh Mai Hồng Cơ ở ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ca nô cao tốc cướp đi tính mạng cách đây mấy năm. Có cô bé ngồi ngay trước mặt cứ thò đầu ra cửa sổ để trêu chọc tôi. Chắc trong mắt cô bé, tôi trông lập dị lắm thì phải.

Theo ánh mắt cô bé, tôi bất chợt nhìn sang hai bên bờ sông, thấy nhiều chỗ đã lở vì sóng tàu. Nhiều căn nhà chênh vênh giữa sông và bờ... Bỗng nghĩ cái sướng, cái thú của mình nhiều khi lại là niềm lo, nỗi sợ của người khác. Như cái thú đi tàu cao tốc chẳng hạn...

Theo đánh giá của các ngành chức năng, do tàu cao tốc hoạt động với công suất cao, tạo ra bước sóng lớn, đã làm cho sông ngòi, kênh rạch ở Cà Mau sạt lở nghiêm trọng.

Bình quân mỗi năm Cà Mau có gần 360 ha đất ven sông bị sạt lở và hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm bởi sóng của ca nô cao tốc gây ra, tổn thất hàng chục tỉ đồng.

Đào Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh