Xây dựng thể chế năm 2020: Đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi
- Dược liệu
- 01:55 - 07/03/2020
Tham dự hội nghị có các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lê Quân, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện các cơ quan Trung ương như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tư pháp…
2019 - năm đột phá về xây dựng thể chế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, 2019 là năm đột phá về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành LĐ-TB&XH, hoàn thành 100% đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ xây dựng 2 dự án luật, pháp lệnh; 1 hồ sơ đề nghị luật; 16 văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 2 hồ sơ phê chuẩn công ước và 27 Thông tư.
Cụ thể, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (ngày 20/11/2019) với tỷ lệ tán thành cao; xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình UBTV Quốc hội dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); xây dựng, trình Quốc hội Hồ sơ đề nghị Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và soạn thảo Dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2020; hoàn thành hồ sơ và trình gia nhập Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật. Chủ tịch nước đã ký ban hành Quyết định số 383/2019/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về thương lượng tập thể. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80/2019/QH14 ngày 14/6/2019 gia nhập Công ước.
Cũng trong năm 2019, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 20 đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: 1 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 hồ sơ gia nhập Công ước, 8 nghị định và 8 quyết định, đề án khác. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ 4 đề án phát sinh ngoài chương trình công tác. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành theo thẩm quyền 27 thông tư.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây đều là những dự án luật, pháp lệnh lớn, có tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng và có ảnh hưởng cả mặt kinh tế, chính trị và xã hội, góp phần thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển xã hội.
Tập trung toàn lực cho công tác xây dựng thể chế
Về nhiệm vụ xây dựng thể chế năm 2020, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH, ngày 2/1/2020 của Bộ trưởng LĐ-TB&XH ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng văn bản Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng để ban hành, trình ban hành trong năm 2020 rất lớn, gần gấp 2 lần trung bình hàng năm. Tổng số có 96 đề án, gồm: 1 dự án luật; 1 hồ sơ gia nhập công ước ; 46 nghị định, quyết định, báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 23 thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng và 25 đề án trong chương trình dự bị của Bộ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế trong năm 2020 của Bộ là rất lớn, từ lao động việc làm đến an sinh xã hội. "Với 96 đầu mục, nhiều gấp đôi năm 2019 nên từ nay đến quý 3/2020 các đơn vị của Bộ cần tập trung toàn lực để nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế theo kế hoạch", Bộ trưởng yêu cầu và mong muốn người đứng đầu đơn vị, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ nhận thức một cách đầy đủ, trách nhiệm, gắn bó hơn với các cơ quan trong và ngoài Bộ để tổ chức công việc một cách nhịp nhàng, hiệu quả.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trước hết các đơn vị phải bám sát vào Quyết định 03 của Bộ trưởng để lên kế hoạch chi tiết nhiệm vụ từng đơn vị và kế hoạch từng tháng, từng quý. Trên cơ sở bám sát vào những nội dung đó để triển khai nhiệm vụ của từng đơn vị, nhất là những vấn đề mới".
Bộ trưởng cũng lưu ý tới những vấn đề cần phải triển khai ngay đó là Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài; Pháp lệnh Người có công; 14 nghị định liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi); 01 quyết định của Thủ tướng, 8 thông tư. Tất cả đều phải được trình trước ngày 15/11 để có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Bên cạnh đó là 3 vấn đề liên quan đến tiền lương cũng được Bộ trưởng lưu ý, đó là: Cải cách chính sách tiền lương, nhất là khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề tiền lương cho người nghỉ hưu làm sao để cân đối được vào quỹ bảo hiểm và ngân sách đầu tư thêm, làm sao để giải quyết bài toán bất cập lương nghỉ hưu và cả những trường hợp nghỉ trước năm 1995… tất cả những chuyện đó phải được giải quyết thấu đáo, có tình.
Về công tác giảm nghèo bền vững trong thời kỳ mới (2021 - 2025), theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải tiếp cận được những tiêu chí mới, những yêu cầu hội nhập, những cam kết mà chúng ta đặt ra… vì đằng sau đó là việc làm, an sinh bền vững, tất cả phải tích hợp như thế nào để có một chương trình mới đầy đủ, thiết thực và hiệu quả hơn.
"Cùng với đó là tập trung giải quyết những điểm nghẽn, từ nay đến năm 2025 nhiệm vụ chính của ngành phải xây dựng một thị trường lao động ở Việt Nam phát triển theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại và hội nhập, tập trung vào vấn đề giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm, rồi sử dụng người lao động sau khi đi lao động trở về như thế nào để tạo ra một sự phát triển của xã hội…", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để công tác xây dựng thể chế đảm bảo chất lượng, khả thi Bộ trưởng lưu ý, các đơn vị chủ trì cần chủ động, không ỷ hết công việc cho Vụ Pháp chế; chú ý phát huy vai trò chuyên gia trong và ngoài ngành. Cần chú trọng công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng thể chế để tạo sự đồng thuận. "Bộ luật Lao động vừa qua nếu không làm tốt công tác tuyên truyền thì khó tạo được sự đồng thuận của xã hội và không thể thông qua. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát tiến độ để đảm bảo làm sao năm 2020 chúng ta hoàn thành và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xây dựng thể chế và triển khai công tác thể chế của ngành", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.