Năm 2020: Tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Tây Y
- 17:19 - 25/12/2019
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục kiên định phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả" với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành:
Tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế;
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hình thành một thị trường lao động hiện đại, hội nhập và vận hành thông suốt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội;
"Toàn ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đề ra", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định và cho biết, các nhiệm vụ và giải pháp chính mà ngành sẽ tập trung thực hiện trong năm 2020 gồm:
Hoàn thiện, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi (sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 40.
Thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, đi đôi với tăng cường, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung - cầu trên thị trường; chú trọng công tác dự báo, cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN.
Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển, mở rộng các thị trường lao động ngoài nước. Tăng cường công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động - tiền lương. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, phấn đấu giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng và đảm bảo đến cuối năm không còn hộ nghèo có thành viên là người có công. Đẩy mạnh việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Thực hiện hiệu quả các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công"; tăng cường vận động, hỗ trợ người có công về nhà ở.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020; các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tiếp tục đổi mới công tác trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, không bao cấp tràn lan. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nghiên cứu, đề xuất chọn năm 2020 là "Năm vì trẻ em". Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Triển khai các hoạt động nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma tuý. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ điều trị cai nghiện; hoàn thiện chính sách hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện.
Thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách hành chính, nhất là về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ để đảm bảo kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành.
Nâng cao hiệu quả và tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện các hoạt động của Bộ trong năm Chủ tịch ASEAN, đặc biệt các hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, trong đó Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giữ vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban và chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, chủ động cung cấp và tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả. Phát động phong trào thi đua trong toàn ngành hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và các địa phương nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và Kế hoạch 5 năm2016 - 2020.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020:
* Chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao:
Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25%;
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%; riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%.
* Chỉ tiêu ngành:
1. Tạo việc làm cho 1.610 nghìn người, trong đó: Tạo việc làm trong nước 1.480 nghìn người; đưa 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,5%.
3. Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 2.260 nghìn người, trong đó: trình độ trung cấp và cao đẳng là 580 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.680 nghìn người (trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg cho 1.000 nghìn người).
4. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 2.190 nghìn người, trong đó: tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.680 nghìn người.
5. 99,7% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 99,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
6. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
7. 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội.
8. 72% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.
9. Duy trì 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em .
10. Tỷ lệ số người nghiện được điều trị và cai nghiện so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 72%.