CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:47

Xây dựng pháp luật: Khắc phục tình trạng “đun nước sôi chờ gạo”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm

Sáng nay 2/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm chuyên gia một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”.

Khắc phục tình trạng cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.

Đó là Chiến lược lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;

Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN;

Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đến nay, tiến độ thực hiện các chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội rất tích cực.

1

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lĩnh vực rất khó, rất phức tạp. Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm chứ không chỉ làm chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới.

“Đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn; khắc phục tình trạng “đun nước sôi chờ gạo”, cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết.

“Sáng mai 3/11, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ

Nhấn mạnh đây là lĩnh vực khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia cho ý kiến vào 3 vấn đề: Về định hướng thống nhất nội hàm một số khái niệm; nguyên tắc yêu cầu với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật; mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các đại biểu bên lề Tọa đàm

Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các đại biểu bên lề Tọa đàm

Tại hội nghị, các chuyên gia đề nghị coi trọng công tác tổ chức thực hiện, tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế bớt được việc giao cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết thi hành. Xuyên suốt trong quá trình lập pháp cần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ.

Trong khi đó có ý kiến đề nghị cần quan trọng công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tôn trọng vai trò, tinh thần pháp quyền, coi trọng luật pháp ở vị trí xứng đáng trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ quyền con người, lợi ích của các cá nhân, tổ chức liên quan, phù hợp với đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, hướng tới một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Một số ý kiến đề nghị cần tập trung vào 3 khâu đột phá quan trọng, về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; Thu gọn lại hệ thống pháp luật để tránh rườm rà, hiệu lực thấp (bỏ nghị quyết liên tịch, bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện, xã), bảo đảm không phân biệt hệ thống pháp luật của Trung ương hay của địa phương...

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, nhiều chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, đây là một đề tài rất khó.

Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở được rất nhiều vấn đề và Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, giúp cho việc xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đạt chất lượng tốt nhất.

Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm, xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới.

Đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn.

Sáng mai 3/11, Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai Kết luận của Bộ Chính trị.

 

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh