Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo"
- Tây Y
- 06:42 - 08/10/2021
Chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam.
Nhìn rõ điểm mạnh – yếu, có chiến lược phù hợp để phục hồi
Bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại to lớn của cộng đồng doanh nghiệp do dịch Covid - 19, nhất là trong giai đoạn bùng phát lần thứ tư, “Sức khỏe của doanh nghiệp và người dân đã bị bào mòn qua 4 đợt dịch”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã bàn thảo hết sức kỹ lưỡng, đậm nét về vấn đề này.
Trung ương ghi nhận và biểu dương sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu, trong đó có đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân.
“Khó khăn như thế nhưng chúng ta đã chống chịu kiên cường, 6 tháng đầu năm vẫn giữ được tăng trưởng 5,64%, quý III giảm sâu nhưng dự kiến cả năm sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng dương, các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, xuất khẩu 9 tháng tăng 24%...”.
“Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, chúng ta vẫn có những nền tảng vĩ mô tốt để vượt qua những khó khăn trước mắt hiện nay, tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới”.
Đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần rà soát lại năng lực quản trị của chính mình, nhìn rõ điểm mạnh – yếu của doanh nghiệp mình để có chiến lược phù hợp để phục hồi và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao vai trò, vị thế hết sức quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Vị thế này không chỉ được Đảng, Nhà nước, xã hội công nhận mà còn được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay.
Về khung khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Kích thích kinh tế: Điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa bế mạc sáng nay, Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, kích thích kinh tế phục hồi và phát triển.
Ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm việc với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để xem xét cụ thể việc sử dụng 2 công cụ chính sách này.
Trao đổi cụ thể với đề xuất của các doanh nhân về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trần nợ công chỉ là một phần thôi. Làm được 100 đồng mà chi trả nợ 25 đồng là gay go rồi. Chúng ta đừng so sánh trần nợ công với các nước vì tỷ lệ chi trả nợ của họ vẫn bảo đảm an toàn”.
“Do đó, phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Với các gói chính sách đang được thực hiện trong năm 2021 đến tháng 9/2021 (chưa tính thực hiện đến cuối năm) theo tính toán của Ủy ban Kinh tế bằng khoảng 2,84% GDP.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc lấy tỷ lệ phần trăm của thu ngân sách để đánh giá quy mô gói hỗ trợ là chưa hợp lý. “Cách tính thống nhất của thế giới đối với gói hỗ trợ là trên cơ sở tổng GDP chứ không phải là tính trên tổng thu ngân sách”.
Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong thích ứng an toàn
Về chiến lược thích ứng an toàn với đại dịch, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định quan điểm thích ứng an toàn, nới lỏng dần các hoạt động để trở lại trạng thái bình thường mới trên cơ sở điều kiện tiên quyết là phải bao phủ được vaccine.
Ghi nhận kiến nghị rất quan trọng của VCCI về tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, chính quyền cần tập trung đặt ra một số nguyên tắc để doanh nghiệp thực hiện và tiến hành hậu kiểm bởi hơn ai hết các chủ doanh nghiệp là người lo nhất, chịu trách nhiệm trước hết cho doanh nghiệp mình.
Nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới công tác đánh giá tác động của các dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm luật pháp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
“Quốc hội có thể họp bổ sung để giải quyết các vấn đề cấp bách, không có việc gì đến Quốc hội mà bị chậm. Quốc hội sẽ đồng hành ở mức cao nhất với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi và phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.