THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:56

Ước tính 2017 khoảng 1 triệu lao động nông thôn tham gia học nghề

Từ 2010- 2015, gần 4 triệu lao động nông thôn được học nghề

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới của Bộ LĐ-TB&XH (tại buổi làm việc với Đoàn nghiên cứu, khảo sát của Ban Dân vận Trung ương về tình hình, kết quả công tác dân vận trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới), mục tiêu đề ra: Đến năm 2020, có 60% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 11 về hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1,0% - 1,5%/năm (riêng các huyện, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo cho biết, đã có 63/63 UBND cấp tỉnh đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và xây dựng phê duyệt đề án, kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn 2009 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020, kế hoạch kinh phí hàng năm của địa phương làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện.

Các địa phương đã xây dựng, phê duyệt danh mục 4.355 lượt nghề đào tạo cho lao động nông thôn (gồm 1.719 nghề nông nghiệp và 2.636 nghề phi nông nghiệp); ban hành định mức chi phí đào tạo cho 3.657 lượt nghề (gồm 1.457 nghề nông nghiệp và 2.200 nghề phi nông nghiệp).

Huy động một lượng lớn cơ sở (1.710 cơ sở) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm: 102 trường cao đẳng nghề, 181 trường trung cấp nghề, 593 trung tâm dạy nghề, 273 doanh nghiệp và 561 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Về kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2015, báo cáo cho biết, trong 6 năm (2010 - 2015), cả nước có gần 4 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 72% mục tiêu Đề án đặt ra của giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó trên 2,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách Đề án 1956.

Cùng với đó, cũng trong giai đoạn này, đã triển khai thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Trong số trên 2,7 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có gần 2,6 triệu lao động nông thôn đã học xong. Trong đó: hơn 2 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 79,6%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 9,6% (mục tiêu tối thiểu 70% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề).

Các địa phương đã thống kê được 65.611 hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề; 105.751 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 3,9% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.

Sau học nghề có ít nhất 80% lao động nông thôn có việc làm mới

Năm 2016, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng gần 500.000 người, đạt 100% kế hoạch, gồm: 105.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 20,3%), 17.000 người khuyết tật (chiếm 3,5%), 25.000 người thuộc hộ nghèo (chiếm 5%), còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80%.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, cả nước có gần 880.000 lao động nông thôn học nghề (đạt 88% kế hoạch), trong đó khoảng 350.000 người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đạt 58% kế hoạch (600.000 người).

Ước thực hiện trong năm 2017, có khoảng 1 triệu lao động nông thôn tham gia học nghề, trong đó có 600.000 lao động nông thôn  được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đạt kế hoạch giao, trong đó khoảng 120.000 người dân tộc thiểu số, 18.000 người khuyết tật và 15.000 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác.

Như vậy, trong giai đoạn 2010 - 2017, đã có trên 6 triệu lao động nông thôn được học các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, bằng 55%; trong đó, có 3,8 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, bằng 58,1% mục tiêu của Quyết định 1956 đến năm 2020.

Số người học nghề là lao động nữ, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách đều tăng hàng năm và vượt chỉ tiêu đề ra.

Cũng theo báo cáo, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để nâng cao hơn nữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, các quy định về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đối tượng chính sách.

Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đào tạo nghề, tổ chức phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới để thực hiện chỉ tiêu: trong 3 năm (2018- 2020) đào tạo nghề cho khoảng 3.500.000 lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho 2.740.000 người, (lao động nữ chiếm ít nhất 40%, người khuyết tật chiếm 10%).

Sau học nghề có ít nhất 80% lao động nông thôn có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững.

 

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh