THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:57

Xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương huy động quá sức dân

 

Gần 20% số xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới

Trình bày báo cáo giám sát kết quả triển khai bước đầu “Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: Tính đến tháng 3/2016, có 1.761 xã (chiếm 19,7%) trong cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới; có 1.223 xã chiếm 13,7% đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 3.155 xã chiếm 37,5% đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 2.123 xã chiếm 25,4% đạt từ 5 - 9 tiêu chí và chỉ còn 326 xã chiếm 3,9% dưới 5 tiêu chí.

Báo cáo đánh giá: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; khoảng 556.000 ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”; khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, mô hình tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản, trang trại, gia trại... đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Toàn cảnh phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng, chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng, chiếm 51%, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng, chiếm 4,9%, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng, chiếm 12,62%.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc thực hiện còn những tồn tại. Đó là ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng và lại “rơi” vào những địa phương có nhiều khó khăn...

 Thêm vào đó, kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ở Đông Nam bộ là 46,4%, đồng bằng sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Đề nghị xóa nợ cho HTX nông nghiệp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hết sức đúng đắn và cần đi sâu hơn trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp.Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu lí do tại sao hợp tác xã kiểu cũ không thể chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới được, có phải vì do nợ đọng cũ tồn đọng mãi, mặc dù đã mấy lần được xử lý nhưng vẫn còn tồn tại. "Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ nghiên cứu xóa số nợ đọng này. Chúng tôi chưa thống kê cụ thể nhưng số nợ nhỏ thôi, song về pháp lý nếu không giải thể được thì thành yếu kém” - Phó Thủ tướng nói.Đồng thời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tiêu chí và phương hướng phấn đấu cho các xã, huyện sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Có lẽ phải nghĩ đến việc thiết lập những tiêu chí cho nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới điển hình, không để cho những thành quả đã đạt được bị mai một.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, không thể không lưu ý đến những tồn tại trong nông thôn trước khi là nông thôn mới, nhất là sự tồn tại kém hiệu quả của các HTX nông nghiệp. " Đoàn giám sát lưu ý đánh giá tính hợp lý trong phân bổ nguồn lực tính đến đặc thù vùng miền. Tỷ lệ nợ đọng do xây dựng nông thôn mới tuy chưa phải lớn tính trên tổng ngân sách nhà nước được phân bổ, nhưng trường hợp nợ cao lại rơi vào 11 tỉnh phía Bắc đều là những tỉnh khó khăn. Nếu không có những giải pháp bền vững để bảo vệ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới thì mới lại thành cũ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh