CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:29

Xây dựng nền giáo dục chất lượng cao: Nâng cao năng suất lao động

 

 - Ảnh 1Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo.


Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập kế hoạch, các chuyên gia, các nhà giáo dục, đại diện các bên liên quan… đến từ nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Đây là lần thứ ba Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức hội thảo phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia trong giai đoạn 10 năm. Lần tổ chức này dành cho giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn tới năm 2045.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã đề cập đến một số thành tựu của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập giáo dục, nền giáo dục của Việt Nam cũng được thế giới biết đến với khả năng duy trì mức sàn năng lực học sinh trên diện rộng. Điều này có được một phần do truyền thống hiếu học và trọng tri thức của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua sự quyết tâm và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của giáo viên, gia đình và các cấp chính quyền.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, giáo dục Việt Nam vẫn còn một số mặt cần khắc phục trong giai đoạn tới. Mặc dù đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở cấp tiểu học và THCS nhưng tỉ lệ bỏ học ở các cấp học này vẫn còn khá cao, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.

Vấn đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên vẫn chưa được chú trọng, đặc biệt là sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học. Mặc dù đã đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra năng lực quốc tế, học sinh Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kĩ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn.

“Rõ ràng, sứ mệnh hàng đầu của ngành Giáo dục là chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, vẫn chưa đạt được. Chúng ta cần phải làm tốt hơn và đây là lúc thay đổi” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nêu quan điểm, trong bất kì quyết định nào liên quan đến giáo dục, câu hỏi đầu tiên luôn là: “Điều gì là tốt nhất cho học sinh?”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là cải thiện chất lượng giáo dục cho từng học sinh và thực thi nhiệm vụ này xoay quanh quyền lợi của học sinh.

 

 - Ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo.


Từ đó, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam muốn xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, mang đến cho mỗi công dân cơ hội học tập suốt đời để có thể khám phá và phát huy tối đa năng lực bản thân, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thứ trưởng bày tỏ hy vọng, những kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm trong thực thi chính sách sẽ được các chuyên gia, nhà hoạch định chia sẻ tại Hội thảo, đóng góp thiết thực và quý giá cho Tổ biên tập và soạn thảo chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, để Việt Nam có thể xây dựng một bản chiến lược hiệu quả, thực tế và có ích cho các thế hệ học sinh hiện tại và tương lai.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, chiến lược phát triển giáo dục một số nước trên thế giới. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những phương pháp tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, kinh nghiệm và các bài học thực tiễn trong xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục.

Trong khuôn khổ của Hội thảo cũng đã diễn ra các phiên họp toàn thể có tính tương tác cao nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường mối quan hệ và mở rộng các cơ hội kết nối giữa các tổ chức, các đơn vị, các đối tác về chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh