THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:16

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em

 

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”. Việc thực hiện quyền sống của trẻ em là quyền cơ bản đầu tiên vời từ quyền được sống, các em mới được thực hiện quyền tham gia, quyền được bảo vệ. Do đó, việc đảm bảo cuộc sống an toàn cho trẻ em là yêu cầu hàng đầu. Điều này cũng được thể hiện trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi họp báo.

 

Lí do nữa chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” bởi trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và của các gia đình quyền của trẻ em được quan tâm rất nhiều. Những chương trình, đề án liên quan trẻ em được ban hành nhưng việc triển khai cần sự vào cuộc của truyền thông, cộng động và gia đình. “Hiện nay vẫn còn rất nhiều em bị tử vong hoặc bị tật nguyền vì tan nạn thương tích. Đuối nước là 1 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong đối với trẻ em. Không ai có thể cầm lòng trước vụ 9 em nhỏ bị đuối nước khi đang tắm sông tại tỉnh Quảng Ngãi; cách đây vài ngày 3 em nhỏ tại Đắk Nông cũng bị tử vong vì đuối nước... Tai nạn thương tích trở thành nỗi đau thương cho nhiều gia đình”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Tai nạn thương tích cũng đặt ra vấn đề cho những người làm công tác quản lý, làm thế nào để giảm tình trạng này. Bộ LĐ-TB&XH đã gửi 6 văn bản đến các cơ quan và địa phương chỉ đạo phòng chống đuối nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản chỉ đạo về phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, rất khó để giảm tai nạn thương tích trẻ em, do Việt Nam có điều kiện địa hình phức tạp với bờ biển trải dài, hệ thống sông ngòi dày đặc. Do hoàn cảnh gia đình nên một số gia đình bố mẹ không có điều kiện quan tâm, chăm sóc con đúng mức. Bản thân các em cũng thiếu những kỹ năng tự bảo vệ mình… Trước thực trạng đó, các cơ quan truyền thông không chỉ đăng những vụ tai nạn thương tích để cảnh báo cộng đồng mà cần phải đẩy mạnh tuyên truyền dạy bơi cho trẻ em, dạy các em những kỹ năng an toàn giao thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích.

Tìm sáng kiến phòng chống tai nạn thương tích phù hợp

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, sự tham gia của gia đình, cộng đồng rất quan trọng để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Chỉ tại cộng đồng mới biết được khu vực nào cần cảnh báo nguy hiểm, căn cứ đặc điểm địa hình của địa phương để dạy các em những kỹ năng sống an toàn. Thứ trưởng Đào Hồng Lan lấy ví dụ điển hình về vận động viên bơi lội nổi tiếng được mệnh danh là “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên. Do xuất phát từ điều kiện gia đình ở vùng nhiều kênh rạch nên gia đình quyết định dạy bơi cho Ánh Viên từ lúc 5 tuổi. Và nhờ đó, gia đình phát hiện ra tài năng của Ánh Viên và có hướng đào tạo để trở thành “kình ngư” như ngày hôm nay.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng: “Vấn đề phóng chống tai nạn thương tích cho trẻ em có liên quan đến kinh phí. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, nhiều địa phương có những sáng kiến, mô hình hay để dạy bơi cho các em mà không quá tốn kém, phù hợp với điều kiện địa phương. Có những địa phương ngăn khúc sông, ao hồ thành nhiều ô để dạy bơi cho các em vừa chi phí thấp lại hiệu quả cao”.

Ngăn sông, hồ thành ô nhỏ dạy bơi cho trẻ em tại Phú Yên.

 

Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết, các hoạt động Tháng Hành động vì trẻ em năm nay, nhằm tập trung nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng chống tai nạn thương tích nói riêng. Phối hợp tổ chức quản lý để trẻ em có mùa hè an toàn, bổ ích. Tổ chức các hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em. Vận động xã hội giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: những em tiềm ẩn nhiều nguy cơ bỏ học, lao động sớm… Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh và UB An toàn giao thông quốc gia tổ chức lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016, tại Hạ Long, Quảng Ninh. Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc lần thứ IX. Cũng trong dịp này sẽ diễn ra Diễn đàn trẻ em ASEAN lần thứ IV tại Hà Nội với chủ đề “Một ASEAN, Một tầm nhìn vì trẻ em”. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.

Các thông điệp Tháng hành động vì trẻ em:

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.

Hãy tạo cho trẻ em một môi trường sống an toàn, không tai nạn thương tích.

Xây dựng Ngôi nhà an toan, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn để mọi trẻ em, gia đình có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn dưới nước và mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy!

An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ.

Hãy đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông bằng xe máy.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh