THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:25

Cần Thơ: Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em

 

Trao học bổng cho trẻ em.

Tại TP. Cần Thơ hiện số trẻ em dưới 6 tuổi là 115.741 em, chiếm 9,4% dân số, dưới 16 tuổi là 284.468 trẻ, chiếm trên 23% dân số. Những năm qua, Cần Thơ đã tích cực đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tạo môi trường an toàn, điều kiện thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi lành mạnh. Môi trường học tập, rèn luyện của trẻ em ngày càng được cải thiện. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Hiện, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có 114/371 trường đạt chuẩn. Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ, mẫu giáo, vào các cấp học, bậc học đều tăng, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở đạt vững chắc. Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 6 loại vắc xin cơ bản; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 11,7%. 

Để hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em đi vào nề nếp, đạt kết quả tốt, nhất là làm sao để cả cộng đồng xã hội vào cuộc chung tay vì trẻ em, Sở Lao động TB&XH thành phố Cần Thơ không chỉ làm tốt việc thông tin, tuyên truyền mà còn tổ chức được nhiều đợt tập huấn, hội thảo về lĩnh vực này. Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2015 ở quận Cái Răng và Bình Thủy, có 298 học viên tham dự. Trong thời gian tập huấn, học viên được nghe triển khai các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và hướng dẫn kỹ năng thu thập số liệu, quản lý thông tin trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thu thập và quản lý các thông tin về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác trẻ em trên địa bàn TP.Cần Thơ, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động vì trẻ em TP.Cần Thơ giai đoạn 2013 – 2020.

Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em.

Cùng với các địa phương trong cả nước, vừa qua thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” ở nhiều địa bàn trong thành phố. Tại lễ phát động tổ chức tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Lộc, phường Tân Lộc, UBND quận Thốt Nốt, ban tổ chức đã kêu gọi các phường, gia đình, các tổ chức cá nhân trên địa bàn quận tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo được vui chơi giải trí trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.

Các địa phương tạo những sân chơi bổ ích trong mùa hè để trẻ em tham gia, không để xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của quận.

Nhân dịp lễ phát động UBND quận đã trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học của trường THCS-THPT Tân Lộc mỗi phần trị giá 200.000 đồng.Cũng như nhiều địa phương khác, quận Bình Thủy tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 với nhiều hoạt động thiết thực, hướng đến việc chăm lo cho trẻ đầy đủ hơn. Quận và các phường tập trung tổ chức các hoạt động họp mặt, tặng quà trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Cùng thời gian này, Ngày hội Hoa phượng đỏ cấp quận được tổ chức với nhiều hoạt động văn nghệ, kể chuyện sách gắn với chủ đề tuyên truyền về Luật BVCSTE, Ngày Quốc tế thiếu nhi... nhằm thu hút và phát huy quyền tham gia của trẻ em. Qua đó, tạo điều kiện để trẻ em trong diện nghèo, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa..

Tháng hành đồng vì trẻ em TP Cần Thơ được tổ chức từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2015. Thời gian này, từ thành phố đến cơ sở sẽ diễn ra đợt cao điểm truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCSGD) trẻ em; các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi; tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Những năm qua, việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em đã được các ngành, các cấp và người dân toàn thành phố hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào BVCSGD trẻ em. Qua đó, môi trường sống và các quyền cơ bản của trẻ em thành phố được thực hiện ngày càng tốt hơn. Các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục dành cho trẻ em được đầu tư; trên 85% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc với nhiều hình thức khác nhau. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 11,4%; trẻ khuyết tật được khám sàng lọc bệnh và phẫu thuật tim, chỉnh hình miễn phí. Trẻ mồi côi, lang thang, lao động sớm, bị xâm hại được can thiệp và trợ giúp kịp thời…

Trẻ em Cần Thơ vui chơi.

Cùng với đó, để lắng nghe những chính kiến, nguyện vọng của trẻ em, trong Tháng hành động vì trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội  thành phố đã tổ chức Diễn đàn trẻ em TP Cần Thơ với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Có 120 em đến từ các quận, huyện và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố tham gia diễn đàn. Các em được chia thành 5 nhóm thảo luận và thuyết trình về các nội dung như trò chơi trực tuyến, an toàn giao thông, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, sân chơi lành mạnh, ô nhiễm môi trường… Những vấn đề các em quan tâm đã được đại diện các ngành chức năng giải đáp, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nguyện vọng của các em.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách tự do, nhưng quyền này đòi hỏi người lớn tạo cơ hội cho trẻ em thực hiện. Nói cách khác, người lớn như cha mẹ, thầy cô giáo, các chuyên gia... có trách nhiệm và năng lực để khuyến khích trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào các vấn đề liên quan. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa là, trẻ em bị yêu cầu hay bị gây áp lực phải bày tỏ ý kiến nếu các em chưa sẵn sàng để tham gia hoặc không quan tâm vấn đề được đưa ra.

Tại diễn đàn này, ý kiến, quan điểm của trẻ em phải được xem xét và cân nhắc một cách nghiêm túc. Đương nhiên, không phải ý kiến nào của trẻ em cũng được đáp ứng hoàn toàn, mà trước hết là cần sự tiếp nhận và xem xét thích đáng của người lớn. Gia đình được xem là môi trường để trẻ thể hiện quyền được trình bày ý kiến về các vấn đề liên quan cũng như cảm nhận về môi trường sống.

Đặc biệt, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Thành phố hiện có gần 3 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, chăm sóc tốt thông qua các mô hình: Giáo dục hội nhập xã hội nghề nghiệp cho trẻ em đường phố; phòng ngừa HIV cho trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ cao; tư vấn hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị xâm hại... 

Trẻ em hôm nay -thế giới ngày mai, đầu tư cho trẻ em - đầu tư cho tương lai đất nước vì vậy hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Trẻ em có quyền được sống an toàn để phát triển, được bảo vệ trẻ em trong môi trường gia đình hạnh phúc, bình yên. Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện đề án “hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”; triển khai đề án mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ ở ấp; xây dựng và nâng cấp các xã phường, thị trấn văn hóa, nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, đầu tư xây dựng trung tâm công tác xã hội để nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Hoàng Duy

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh