THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:36

Xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội công bằng, minh bạch

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Đàm Hữu Đắc, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi cùng một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, đại diện hơn 40 cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Trong 5 năm qua, lĩnh vực trợ giúp xã hội (TGXH) đã có nhiều đổi mới, Việt Nam đã ban hành được nhiều luật về TGXH như: Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, sửa Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em… và đặc biệt hiện nay đang tập trung nghiên cứu Luật về CTXH. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực TGXH thực sự phát triển, cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân ngay tại cộng đồng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tâm trong lĩnh vực trợ giúp xã hội thời gian tới như: Tập trung đổi mới hoạt động tại các trung tâm công tác tác xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách, xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ phấn đấu bảm đảm mức sống tối thiểu cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, bao gồm các đối tượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội… Xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng bảo trợ xã hội có thể tiếp cận các dịch vụ CTXH. Phát triển mạng lưới Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH ở cộng đồng trên cơ sở Nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp và người dân.

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các hoạt động, lĩnh vực TGXH để truyền thông có định hướng, trọng tâm vào các nội dung mà hiện nay Bộ đang tập trung thực hiện như: Đổi mới phương thức chi trả cho người dân sang một cơ quan chi trả độc lập nhằm kịp thời, đúng đối tượng thông qua hệ thống bưu điện. “Tôi cho rằng hướng tới cần thiết kế hệ thống chính sách theo vòng đời, ở mỗi vòng đời mục tiêu nhu cầu cần giải quyết cái gì. Ví dụ trẻ em trong bụng mẹ, muốn lớp trẻ phát triển, không suy dinh dưỡng cần trợ giúp cho phụ nữ nghèo mang thai, đảm bảo sinh ra trẻ đủ cân, không còi cọc. Đối với trẻ đi học, thanh niên, người cao tuổi… thì cần có chính sách tác động như thế nào để trợ giúp một cách thiết thực. Như vậy, trợ giúp xã hội vừa mạnh, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng. Bên cạnh đó xây dựng hệ thống TGXH thời gian tới công bằng, minh bạch, hiện đại, để an sinh xã hội thực sự là lưới đỡ an toàn cho cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Phó Tổng biên tập tạp chí Lao động và Xã hội Trần Ngọc Diễn đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông phát triển nghề CTXH. Ông Diễn cho biết, trong gần 6 năm qua, thực hiện Đề án 32 và Đề án 1215, công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức từng bước đưa CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội mà còn là cầu nối đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống. Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục với mật độ tương đối lớn ở hầu hết các loại hình báo chí, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lập hẳn chuyên mục riêng, ra ấn phẩm chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về lĩnh vực này.

Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương mà bản thân người dân, những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế, người tâm thần dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó đã xuất hiện nhiều trang thông tin điện tử chuyên bàn về CTXH của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức hội, đoàn thể, các trường đào tạo chuyên ngành CTXH, đồng thời nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm BTXH đã xây dựng tổng đài tư vấn, tham vấn, giải đáp các thắc mắc đáp ứng nhu cầu của đối tượng…

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương  Hội Người cao tuổi Việt Nam Đàm Hữu Đắc phát biểu tại hội thảo.


Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nghề CTXH, ông Trần Ngọc Diễn cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác tuyên truyền về Đề án 32 và Đề án 1215, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, đa dạng hóa cách làm thông tin, thông tin tuyên truyền có chất lượng cao, thúc đẩy sự chú ý quan tâm trong toàn xã hội; Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác truyền thông nghề CTXH đối với các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi; Về phía Cục Bảo trợ xã hội cần xây dựng và cung cấp các kế hoạch truyền thông cụ thể với nhiều hình thức khác nhau từ việc chủ động cung cấp thông tin đến việc xây dựng tổ chức các chủ đề và chương trình truyền thông có tính định hướng cao gắn với từng giai đoạn của Đề án. Đồng thời thường xuyên chủ động mời phóng viên báo chí tới tham dự các cuộc hội thảo, đi tìm hiểu thực tế ở các Trung tâm CTXH, tài trợ các cuộc thi sang tác, khuyến khích các nhà báo có tác phẩm chất lượng, có sức lan tỏa đến bạn đọc về lĩnh vực này.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Bảo trợ xã hội giới thiệu một số kết quả 5 năm thực hiện đề án 32 và Đề án 1215, định hướng thời gian tới; tìm hiểu thực tế tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề CTXH.

HUYỀN MINH - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh