Xây dựng hàng rào để ngăn trâu bò xâm nhập di sản Huế
- Văn hóa - Giải trí
- 21:03 - 11/01/2022
Trước thực trạng một số công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế bị xâm hại thời gian qua, phóng viên báo Dân sinh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Về thực trạng người dân địa phương thả rông trâu, bò, gia súc vào các khu vực bảo vệ của lăng vua Thiệu Trị và lăng vua Gia Long, ông Nam thừa nhận đây là sự thật vẫn đang còn tồn tại, nhưng chủ yếu xảy ra ở vòng ngoài, vùng đệm chứ không phải khu vực trung tâm. Theo ông Nam, thực trạng này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như: ý thức của người chăn nuôi chưa cao, lực lượng bảo vệ di tích mỏng trong khi diện tích các khu di sản này lớn, một số lăng không có la thành, hàng rào bảo vệ vòng ngoài.
Ông Nam cho biết, thời gian qua, đơn vị đã làm việc với chính quyền địa phương nơi có các di tích, thậm chí đến tận nhà các gia đình có chăn nuôi gia súc để tuyên truyền, vận động người dân, yêu cầu viết cam kết. Tại các điểm di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã cho cắm, gắn các biển báo cấm chăn thả gia súc. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa có ý thức chấp hành tốt. Một số người lợi dụng lúc lực lượng bảo vệ sơ hở đã đưa gia súc, trâu, bò vào chăn thả ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích.
Trước phản ánh của phóng viên về việc trong sáng ngày 7/1, lực lượng bảo vệ của di tích lăng vua Thiệu Trị vắng mặt, để người dân đưa bò vào cột, chăn thả trong khu vực bờ hồ ngay trước cổng bán vé, ông Nam giải thích: “Thời điểm đó, anh em đang phối hợp với chính quyền địa phương (xã Thuỷ Bằng, TP Huế - PV) đi giải quyết việc người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép trong diện tích đất thuộc khu vực 2 của di tích”. Hay thực trạng trâu bò tự do vào gặm cỏ trong vùng lõi của lăng vua Gia Long, ông Nam cho rằng đó là do tập tục chăn thả của người dân, họ thả đi cả tháng rồi mới đi tìm. Trong khi đội bảo vệ di tích này có 7 người, mỗi ngày làm việc chỉ 4 người nên không thể đi đẩy đuổi suốt trong 24/24 giờ?
Về việc người dân tự ý sử dụng bãi đỗ xe tham quan lăng vua Gia Long làm nơi tập kết, bốc xếp keo tràm cũng như sử dụng đường mở tạm phục vụ công tác trùng tu, tu bổ di tích để đưa xe ô tô vào vận chuyển gỗ keo, ông Nam cho rằng rất khó để cấm? Ông Nam lý giải rằng, hiện xung quanh các di tích lăng vua triều Nguyễn, nhất là lăng Gia Long có rất đông người dân sinh sống ở khu vực vùng đệm, thậm chí là khu vực 2, 3 đã được khoanh vùng bảo vệ. Bên cạnh nhà cửa, người dân cũng còn nhiều diện tích đất sản xuất nằm cạnh khu vực bảo vệ di tích, nên không thể cấm người dân vào khai thác, thu hoạch, vận chuyển được.
Để giải quyết căn cơ các vấn đề nêu trên, ông Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng y phê duyệt, cấp cho Thừa Thiên Huế 100 tỷ đồng để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo, quản lý bảo vệ di tích Cố đô Huế từ nguồn vốn Trung ương. Trong đó có hạng mục xây dựng hàng rào bảo vệ lăng vua Gia Long và một số lăng khác; đồng thời sẽ tiến hành đền bù, thu hồi diện tích đất của người dân đang sản xuất nằm trong vùng đệm để trồng cây lâu năm, phục vụ công tác bảo vệ di tích tốt hơn.
Trước đó, báo Dân sinh đã có phóng sự ảnh “Trầm buồn khu di sản Huế những ngày đầu năm 2022”. Phóng sự phản ánh những điểm đang còn tồn tại, những phát sinh khi không có khách tham quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1993. Trong đó, thực trạng khiến nhiều người bức xúc nhất là việc người dân địa phương thoải mái chăn thả gia súc, trâu bò ngay bên trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, thậm chí ngay trước cổng bán vé tại các điểm lăng tẩm. Ngoài ra, việc người dân không gặp sự cấm cản của lực lượng bảo vệ khi dùng đường công vụ bên trong lõi di sản để vận chuyển gỗ keo công nghiệp, khiến di tích trông nhếch nhách, mất vẻ mỹ quan vốn có.