THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:09

Dự án PRPP là nòng cốt để phát triển chương trình giảm nghèo

 

Người nghèo chủ động tìm cách thoát nghèo

Báo cáo kết quả 4 năm triển khai Dự án, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Phó Giám đốc dự án PRPP Nguyễn Văn Hồi cho biết: Dự án “Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011- 2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (2012 - 2020)” - gọi tắt là Dự án PRPP - do UNDP và Đại sứ quán Ai Len hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH và 9 cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban Dân tộc và 8 tỉnh: Cao Bằng, Kon Tum, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của người dân.

Những đóng góp của PRPP cho mục tiêu giảm nghèo nhanh tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển nghèo nhất thể hiện qua kết quả đầu ra: Các chính sách giảm nghèo theo trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan được sắp xếp hợp lý và lồng ghép vào kế hoạch và khung chính sách thường xuyên của các bộ, ngành; Chương trình quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 được thiết kế và thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện, xã, thôn/bản nghèo nhất và các nhóm DTTS thông qua áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo; Hệ thống theo dõi và phân tích nghèo đa chiều, dễ bị tổn thương và các cuộc thảo luận chính sách ở cấp cao về giảm nghèo và dễ bị tổn thương góp phần cải thiện các mục tiêu phát triển theo hướng bao trùm, giảm bất bình đẳng và vì người nghèo.

Tại 8 tỉnh, PRPP đã tập trung hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012-2015, thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân – đặc biệt người nghèo; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sáng tạo, mô hình trọn gói trong giảm nghèo, phát huy vai trò cộng đồng, tự lực, tự cường của người dân khi triển khai các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia. Trên cơ sở đó tổng hợp các cách làm hay, đúc rút thành các bài học kinh nghiệm để thể chế hóa, nhân rộng áp dụng trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước và đặc biệt cung cấp các minh chứng thực tế cho các cơ quan trung ương nghiên cứu ban hành chính sách và xây dựng, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo kết quả báo cáo Đánh giá độc lập giữa kỳ dự án và dự thảo báo cáo Đánh giá độc lập cuối kỳ dự án, PRPP đã hoàn thành xuất sắc và vượt các kết quả mong đợi đã đề ra trong Văn kiện dự án đã được Thủ tướng phê duyệt. Các kết quả của PRPP đã được chứng minh bằng các sản phẩm cụ thể, được các cơ quan hưởng lợi và đối tác cả ở trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh (4%/năm) và bền vững tại các vùng nghèo nhất trên cả nước.

 

Tiếng nói từ người hưởng lợi

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, từ kết quả của hoạt động giảm nghèo đã giúp đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. Các thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được LHQ và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Quốc hội đặt yêu cầu cao đối với hoạt động giảm nghèo, đặc biệt vùng lõi nghèo. Vừa qua, Quốc hội đặt ra những mục tiêu, giải pháp tổng thể và có định hướng toàn diện về giảm nghèo trong NQ 76. Nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề: về mục tiêu, giảm nghèo đa chiều, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức người dân về giảm nghèo đa chiều. Xác định về thu nhập, việc làm, đời sống tinh thần, giáo dục, nhà ở… cho người dân.

Ông Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

 

Qua những chuyên đề khảo sát tại đồng bào dân tộc miền núi cho thấy, tuyên truyền để họ biết là mình nghèo thôi cũng đã là thành công. Người dân biết mình nghèo thì mới tìm cách thoát nghèo. Thứ 2 là thay đổi cách làm về giảm nghèo. Đó là kéo doanh nghiệp về các địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Vấn đề thứ 3 là lồng ghép chính sách, nguồn lực để tạo sức mạnh thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là vùng lõi nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Lê Văn Quý cho biết, Hà Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao. Dự án PRPP với cách làm: Tập trung vùng lõi nghèo, hướng dẫn người dân kỹ thuật và quyết định trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện địa phương, cho tiền người nghèo ít đi mà hướng sang cho vay và đặc biệt là huy động các doanh nghiệp vào cuộc. Nhờ đó, tham gia PRPP, người nghèo có thêm kiến thức, có vốn và biết trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo thay vì ỷ lại trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước.

Tại Kon Tum, dự án PRPP cũng đã mang lại cách làm mới giúp người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum cho hay, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực; luân chuyển vốn hỗ trợ cho 60 hộ nghèo đến nay 20 hộ đã thoát nghèo. Đàn bò từ 60 nay đã lên 120 con. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án đã tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo. Đây là cách làm mới, trao cho người dân cơ hội bày tỏ nguyện vọng, mong muốn cũng như nắm được những tồn tại trong công tác giảm nghèo để điều chỉnh. Ông Lâm đề xuất đổi mới hoạt động giảm nghèo để phân cấp, phân quyền; khi ban hành chính sách giảm dần chính sách cho không mà nhà nước và nhân dân cùng làm, tăng cho vay có điều kiện; bổ sung người có uy tín vào ban giảm nghèo cấp xã và được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% lương cơ sở.

Người dân được hưởng lợi từ dự án PRPP.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cho rằng: Muốn giảm nghèo thành công phải lấy dân làm trung tâm. Khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo là khâu tổ chức thực hiện chứ không phải nguồn lực. Triển khai không hiệu quả, mất niềm tin của người dân. Có những hình thức hỗ trợ không cho người dân làm chủ. Hỗ trợ sản xuất chủ đầu tư là cấp huyện, cấp xã, giá cây trồng, vật nuôi bị đẩy lên rất cao nên hiệu quả không như mong muốn. Vì thế, chương trình giảm nghèo nên xây dựng cơ chế quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất còn người dân phải trực tiếp làm. Hiện nay cho không người dân chuồng, con giống, thức ăn… nên họ ỷ lại, gà nuôi lớn thì thịt!

Từ thực tế này, ông Quý đề xuất, nên cho người nghèo lên phương án sản xuất rồi nhà nước cho vay tiền. Nếu người dân vay tiền làm chuồng khi bán được sản phẩm thì tiền làm chuồng sẽ được tiếp tục hỗ trợ để người dân lấy vốn tiếp tục phát triển chăn nuôi. Còn nếu không có sản phẩm bán thì nhà nước sẽ thu hồi lại vốn. Theo ông Quý, quan trọng là cho người dân quyết định cách thức sản xuất.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, sau khi triển khai dự án PRPP đã tạo mô hình sinh kế cho người nghèo phát huy tính chủ động sáng tạo, minh bạch. Hộ nghèo tự chọn cách sản xuất chăn nuôi để phù hợp điều kiện tự nhiên, địa lý, môi trường. Sau khi thảo luận, người dân tham gia dự án quyết định nuôi bò tại 3 xã và hiện đạt kết quả tốt. Đa phần bò đã sinh từ 1-2 con bê. Từ nhóm hưởng lợi các hộ nghèo và lân cận cũng học được kinh nghiệm chăn nuôi. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ 1 phần tiền mua bò để người dân có trách nhiệm trả lại nguồn vốn.

 

Nhân các mô hình sáng tạo, mô hình giảm nghèo

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả đạt được của dự án triển khai tại 8 địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo dự án cũng như báo cáo đánh giá độc lập, ý kiến của địa phương, đặc biệt là người thụ hưởng đã nêu được những kết quả là những minh chứng rõ nhất của dự án.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận hội nghị.

Tuy nhiên, tại 64 huyện nghèo còn trên 50% hộ nghèo, có huyện trên 70%. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Có những nơi đã đi người dân nghèo rơi nghèo rủng, có những nơi đến món ăn phổ biến của người dân là măng muối ớt. Có những huyện miền núi do địa hình chia cắt, không có đất sản xuất nên bình quân mỗi người mỗi vụ chỉ được vài chục cân thóc. Nghèo đói luôn rình rập bên cạnh... Theo kết quả điều tra hộ nghèo, 86% hộ nghèo đa chiều là nghèo thu nhập. Do đó phải thấy cuộc chiến đói nghèo còn gian nan và ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách thu nhập đồng bào miền núi, miền xuôi ngày càng xa. Lõi nghèo vẫn là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa”.

Trong 2 chương trình Mục tiêu quốc gia, tất cả đều xoay quanh khu vực nông thôn, hướng mạnh đồng bào dân tộc miền núi. Bộ trưởng mong muốn từ kinh nghiệm của Dự án, những kết quả đạt được mới chỉ ban đầu, điều quan trọng là nhân rộng kết quả này, mở rộng ra thì đấy mới là thành công.

Bộ trưởng đề nghị UNDP, Đại sứ quán Ai Len tiếp tục quan tâm, ủng hộ. Khi bàn về Chương trình giảm nghèo còn nhiều lúng túng trong tiếp cận chính sách, thay đổi cách thực hành. Hiện vẫn lấy thu nhập là chính, thiết kế chính sách ra sao, hỗ trợ sinh kế như thế nào? Đề nghị UNDP, Ai Len nghiên cứu giai đoạn 2 để mở rộng dự án theo hướng: Thiết kế lại chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, cho vay hỗ trợ có điều kiện, giảm chính sách cho không. Chỉ cấp không đối với trường hợp không thể lao động. Việc đánh giá nghèo đa chiều gặp rất nhiều lúng túng trong thực tiễn, Bộ trưởng lấy ví dụ: Nếu gia đình không có ti vi, không nghe đài là thiếu hụt thông tin nhưng có trường hợp có điều kiện nhưng người ta trông chờ, ỷ lại và kiên quyết không mua ti vi, không xem ti vi thì đo lường như thế nào? Nghiên cứu cách thức tác động, các chiều thiếu hụt tính toán như thế nào?

“Thời gian tới cần nâng cao năng lực cho người nghèo. Từ đó, tác động từ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Đây là việc quan trọng và đặc biệt là tạo mô hình do đồng bào dân tộc triển khai. Nói 10 không bằng chỉ cho người ta 1. Muốn tuyên truyền cho người dân trông ngô thì phải có người trồng trước, cho hiệu quả thì người dân mới làm theo. Do đó, việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, truyền thông rất quan trọng. Dự án PRPP là nòng cốt để phát triển toàn diện chương trình giảm nghèo trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh