THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực

Song, để điều này trở thành hiện thực, TP Đà Nẵng sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có thể kể đến những yếu tố then chốt như: Hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và những chính sách đặc thù …nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố trọng điểm của miền Trung này.

TỪ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Ngày 19/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư và UBND TP. Đà Nẵng  truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với đề xuất xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho UBND TP.Đà Nẵng nghiên cứu, lập Đề án xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan để lập Đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Về các kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách thuế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xây dựng dự án khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại có khu vui chơi, giải trí casino và chung cư cao cấp... Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến việc xây dựng các cơ chế, chính sách trên có tác động đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý nhà nước khác nhau.

Do đó, khi xây dựng Đề án, cơ quan chủ quản Đề án phải thực hiện việc phân tích kỹ các nội dung liên quan và phải có đánh giá các tác động của những cơ chế chính sách trên trong Đề án. Đồng thời đề nghị cập nhật thêm diễn biến và tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam đối với lộ trình thực hiện Đề án.

Xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực  - Ảnh 1.

Mô hình Trung tâm tài chính của Thành phố Đà Nẵng

ĐẾN HIỆN THỰC HÓA ĐỀ ÁN

Một trong những vấn đề then chốt là UBND TP Đà Nẵng cần phải giám sát chặt chẽ việc nghiên cứu và thuê tư vấn, trong đó ưu tiên tư vấn quốc tế để lập đề án bao gồm các đề xuất về cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực. Trong đó, cần nêu rõ cơ chế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các bộ ngành và TP Đà Nẵng.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng, TP đã đề xuất xây dựng đề án bao gồm các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào dự án khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - casino và chung cư cao cấp ( Đà Nẵng  Gateway).

Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích đất khoảng 8,4 ha tại đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) với vốn đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) huy động của các nhà đầu tư. "Mục đích của Đà Nẵng là xây dựng  trung tâm tài chính  quy mô khu vực đóng vai trò trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế. Một hệ thống hoạt động hiệu quả sẽ giúp phát triển tài chính theo chiều sâu, tăng trưởng và tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại và năng động" – ông Phụng thông tin.

Ngoài ra, tại các văn bản gửi Trung ương, TP Đà Nẵng cũng đề xuất một số lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp  trong và ngoài nước  như: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Trần Thị Thanh Tâm,Giám đốc sở KHĐT thành phố Đà Nẵng cho biết: Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang hoàn tất thủ tục trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 cho dự án Đà Nẵng Gateway. Sau khi điều chỉnh quy hoạch xong mới đo đạc, hoàn tất thủ tục để trình phương án đấu giá trước khi triển khai.

Xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực  - Ảnh 2.

Trung tâm Thành phố Đà nẵng

VÀ KHAI THÁC NHỮNG LỢI THẾ SẴN CÓ

Trong báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, hiện tại Việt Nam có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Ngoài ra, Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế lớn nhất  vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  với tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước (đứng thứ 8/63 địa phương về mật độ kinh tế, đứng thứ 9/63 địa phương về nguồn thu ngân sách). "Đà Nẵng được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, TP đáng sống có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ về đường biển, đường bộ và đường hàng không. Có khoảng cách ba giờ bay với các nền kinh tế năng động như Bangkok, Malaysia, Singapore, Hong Kong…", báo cáo từ Bộ Kế hoạch đầu tư nêu rõ.

Cùng với đó, trong điều kiện bình thường, sân bay quốc tế Đà Nẵng hoạt động với gần 500 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, được khai thác với 25 hãng hàng không, kết nối với 35 thành phố của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến đến năm 2030,  sân bay Đà Nẵng  sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm.

Đà Nẵng với lợi thế và tiềm năng sẵn có đang đứng những vận hội vô cùng to lớn nhưng song hành cùng đó cũng là những thử thách thực sự lớn mà như lời Phó chủ tịch Thành phố Đà Nẵng-Hồ Kỳ Minh từng phát biểu: "Với những thuận lợi của Đà Nẵng về vị trí địa lý, đất đai, con người, cũng như tiềm năng, tốc độ phát triển của cách mạng 4.0 nếu đi theo tuần tự và phải mời được các ngân hàng về làm hội sở tại TP thì phải mấy trăm năm nữa Đà Nẵng mới trở thành trung tâm tài chính.

Vì vậy, cùng với cơ chế đặc thù mà Trung ương đã định hướng, Đà Nẵng sẽ xây dựng đề án để xin Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để có thể bỏ qua các trình tự, để có thể vượt lên. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng TP sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện các vấn đề về quy mô, nội dung, khía cạnh pháp lý có liên quan, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Có 2 đối tác muốn tài trợ nghiên cứu đề án

Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết hiện có hai nhóm nhà đầu tư từ Singapore và Mỹ đề nghị được tài trợ cho việc nghiên cứu đề án Đà Nẵng Gateway. Trong đó, nhóm nhà đầu tư Singapore đề nghị tài trợ toàn bộ kinh phí thực hiện đề án nghiên cứu khả thi trung tâm tài chính thông qua hình thức hợp đồng ba bên. Cụ thể là giữa UBND TP Đà Nẵng, liên danh các nhà đầu tư và Bộ Phát triển quốc gia Singapore.

Còn nhóm nhà đầu tư Mỹ đề nghị tài trợ toàn bộ chi phí thuê tổ chức tư vấn tài chính quốc tế và các chuyên gia trong nước để xây dựng đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng.

Sau khi Thủ tướng thống nhất chủ trương, TP Đà Nẵng sẽ phối hợp với các nhà đầu tư triển khai lựa chọn nhà tài trợ và đơn vị tư vấn để xây dựng đề án. "Trường hợp không lựa chọn được nhà tài trợ phù hợp, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức thuê tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đề án từ nguồn vốn ngân sách địa phương", Sở Tài chính Đà Nẵng thông tin thêm.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh