CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:55

Chăn nuôi công nghệ cao ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi

Giá lợn giảm mạnh thương nhân được dịp ép giá

Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2 – 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn Châu phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 15 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Ngay sau có thông tin dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam từ cuối tháng 2, giá lợn hơi tại miền Bắc có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, nếu như những ngày trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn xuất chuồng có thời điểm lên tới 52-53 nghìn đồng/kg thì tới thời điểm này đã giảm trung bình khoảng 10 nghìn đồng/kg, thậm chí có địa phương dù chưa có dịch nhưng giá giảm sâu xuống còn 32-33 nghìn đồng/kg.

Áp dụng các kỹ thuật khoa học vào chăn nuôi đang lại hiểu quả cao

Theo ghi nhận tại Hà Nam nơi mới phát hiện một ổ dịch tả lợn Châu Phi, ông Bùi Trung Kiên (Thôn Chanh, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng) cho biết ngoài những địa điểm thông báo chốt dịch cấm vận chuyển giết mổ, người dân các vùng khác không biết phải làm thế nào để được bán lợn khỏe, hiện tại giá đang xuống chỉ còn 36 nghìn đồng/kg nhưng không bán được vì chưa được cấp dấu kiểm dịch.

Thông tin dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh cũng khiến người chăn nuôi tại các vùng chưa có dịch bị thương lái ép giá. Anh Nguyễn Văn Bắc (Thanh Oai - Hà Nội) cho biết: “Hôm trước bán 30 con lợn giá 40 nghìn đồng/kg nhưng nay thương lái chỉ trả 38 nghìn đồng/kg kg khiến hộ chăn nuôi như anh lỗ từ 10-20%. Giá vậy chưa đủ tiền cám, dân càng muốn bán thì càng bị ép giá. Đẹp hay xấu đều do thương lái tự quyết”.

Dù giá lợn xuất chuồng giảm sâu nhưng trên thị trường, giá thịt lợn bán ra chỉ nhúc nhích giảm nhẹ. Cụ thể, tại Hà Nội giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ hiện đang bán với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg; thịt lợn sạch vẫn bán giá 120 nghìn đồng/kg. Tại các siêu thị giá thịt lợn vẫn giữ mức ổn định từ 110-120 nghìn đồng/kg.

Mô hình chăn nuôi công nghệ cao khép kín, giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong khi hầu hết các cơ sở chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống đang lao đao vì cơn bão dịch tả lợn Châu phi thì tại HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Tp.Hà Nội) mọi hoạt động sản xuất chăn nuôi vẫn đang đứng vững trước cơn giông bão của ngành chăn nuôi.

HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Tp.Hà Nội) được xây dựng trên diện tích 2,8 ha (trong đó 2ha phục chăn nuôi, 0,8 ha giành cho hệ thống xử lý chất thải).Từ lâu được biết đến là một trong những mô hình chăn nuôi lợn khép kín theo chuỗi, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại mà không phải cơ sở chăn nuôi nào cũng có được như: Chủ động trong việc sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi đến khâu giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối trực tiếp sản phẩm ra thị trường. Chính vì vậy, mà mô hình này đã giảm đi được các khâu trung gian, đồng thời hạn chế được dịch bệnh thâm nhập từ bên ngoài vào.

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long chia sẻ, vào các thời điểm giá lợn trên thị trường tụt giảm mạnh như 2016 – 2017 nhiều trang trại nuôi lợn khác lâm vào cảnh điêu đứng thì HTX Hoàng Long vẫn đứng vững là do tiết giảm được tất cả các khâu trung gian đã hạn chế được phần lỗ để duy trì hoạt động chăn nuôi ở giai đoạn khó khăn.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Mô hình chăn nuôi tại HTX Hoàng Long được xây dựng với khu chăn nuôi và khu xử lý nước thải riêng biệt. Toàn bộ nước thải qua các đường ống được đưa sang khu xử lý nước thải, ngăn cách bởi tường bao đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó, khoảng 80% lượng phân được xử lý thành phân bón cây, 20% còn lại được đưa vào hầm biogas ở dạng lỏng. Sau xử lý, lượng nước thải sẽ chảy ra hồ sinh học và bảo đảm hồ này sẽ nuôi được cá sạch, môi trường thân thiện, trong lành…

Đàn lợn được chăm sóc khỏe mạnh ở HTX Hoàng Long

Theo ông Nguyễn Trọng Long, dịch tả lợn Châu phi hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả, tỉ lệ lợn tử vong rất cao, điều này mang đến nhiều rủi ro thiệt hại cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, nó tác động đến tâm lý của người chăn nuôi, khiến họ bán tháo lợn vì lo sợ dịch bệnh. Đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta hiện này còn manh mún nhỏ lẻ nên tỉ lệ lây lan bệnh rất cao, việc khoanh vùng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích cộng đồng, của những người chăn nuôi khác. Khi lợn có dấu hiệu bệnh là ngay lập tức tìm mọi cách đem đi tiêu thụ, dẫn đến tình trạng lây lan bệnh dịch rất nhanh. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác gây ra bùng phát dịch bệnh là nguồn thức ăn chăn nuôi không đảm bảo, quy trình giết mổ và vận chuyển tiêu thụ lợn tại nhiều cơ sở hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh.

Chia sẻ với chúng tôi ông Long cho biết, ngay sau khi nghe thông báo về dịch tả Châu phi, HTX đã sử dụng nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Với tình hình dịch tả Châu Phi bùng phát mạnh như hiện nay, HTX Hoàng Long đang thực hiện cấm trại, hạn chế đến mức tối đa việc ra vào trang trại. Các cán bộ quản lý gần như phải ở lại trại, chỉ những trường hợp đặc biệt mới được ra ngoài. Tuy nhiên, khi vào trại phải thực hiện đúng quy trình sát trùng và cách ly.

Đối với người vào trong trang trại của HTX Hoàng Long đều phải qua 2 lượt sát trùng. Thứ nhất với người và phương tiện khi đến nhà để xe đều phải sát trùng lần một; người vào các khu vực chăn nuôi bắt buộc phải qua phòng sát trùng thứ 2, tắm rửa và thay quần áo của trại. Riêng với công nhân chăn nuôi, có chế độ cách li đặc biệt 24 tiếng mới được phép vào khu vực chăn nuôi.

Quy trình xử lý chất thải hiện đại

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ trại được xây dựng tường bao kiên cố chỉ có 1 duy nhất 1 cổng ra vào. Việc ra vào trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt, ngoại trừ xe chở thức ăn chăn nuôi, thì tất cả các phương tiện như xe máy của công nhân hay xe vận chuyển lợn đều được bố trí bên ngoài. Toàn bộ hàng hóa nhập về đến cổng trại đều được vận chuyển vận chuyển bằng người và trải qua các khâu sát trùng trước khi vào trại. Đây là một trong những khâu loại trừ rất hiệu quả nguy cơ lây lan bệnh dịch từ người và các phương tiện bên ngoài vào trại.

“Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, tất cả các xe vận chuyển lợn buộc phải rửa xe và phun sát trùng cách trại 1,5 km và sát trùng diệt khuẩn lần 2 tại cổng trại. Trước khi đưa lợn đi tiêu thụ, xe xuất trại tiếp tục được phun sát trùng lần nữa. Công tác vệ sinh môi trường, sát trùng bên trong trại nuôi cũng được đặc biệt quan tâm, hàng ngày đều được phun sát trùng  2 lần/ ngày”, ông Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Long, một trong những yếu tố quan trọng trong chăn nuôi đó là nguồn thức ăn. Tại HTX Hoàng Long hiện nay chỉ sử dụng 2 nguồn chính là cám viên nhập thẳng từ công ty và cám trộn do chính trại tự sản xuất. Điều đặc biệt, là toàn bộ nguồn thực ăn chăn nuôi đều không sử dụng nguồn gốc động vật mà chỉ sử dụng nguyên liệu từ thực vật như ngô, đậu và sử dụng công nghệ ủ lên men để bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết. Chính vì vậy, nên nguồn thức ăn trên rất đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa nguồn lây bệnh từ thức ăn. Đồng thời trại cũng tiến hành phát quang cây cối và dọn dẹp môi trường xung quanh để tránh những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng.

Mặc dù tình trạng dịch tả lợn Châu phi đang bùng phát mạnh ở nhiều nơi. Nhưng nhờ việc áp dụng các kỹ thuật khoa học vào chăn nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quá trình sản xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Đồng thời tăng cường vệ sinh môi trường, khử trùng sát khuẩn chuồng trại giúp cho mô hình chăn nuôi tại HTX Hoàng Long đang chủ động phòng ngừa hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu phi hiện nay.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh