Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo bậc đại học theo chuẩn đầu ra và hội nhập quốc tế
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:53 - 12/06/2020
Chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận theo chuẩn đầu ra
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) sẽ được triển khai theo Quyết định số 436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho GDĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ,… tiếp cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực.
Việc xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành, khối ngành sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện, Bộ GD&ĐT mong muốn các Bộ ngành liên quan sẽ tham gia vào triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
"Sau khi ban hành chuẩn CTĐT, tất cả cơ sở GDĐH sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo, làm sao đáp ứng chuẩn tối thiểu, phù hợp yêu cầu của thị trường và đặc trưng riêng, từ đó đảm bảo chất lượng chung của trình độ ĐH trên cả nước", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Trao đổi về những điểm mới của VQF so với Chương trình khung đã ban hành trước đây, Thứ trưởng cho biết, chương trình khung yêu cầu chặt chẽ về tên môn, số tín chỉ,… còn VQF sẽ ban hành chuẩn CTĐT tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng CTĐT chứ không quy định cứng.
Hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp.
Đó là, thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm. Các trường, hiệp hội, đơn vị sử dụng lao động, cộng đồng nói chung sẽ góp ý để thống nhất chuẩn đầu ra cho ngành, khối ngành. Căn cứ thứ hai là hội nhập thế giới, giúp chuẩn CTĐT phù hợp khi so với các nước ASEAN và mặt bằng chung thế giới.
Xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành
Triển khai kế hoạch trên, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là thành lập các Hội đồng tư vấn ngành, khối ngành. Hội đồng chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành đối với các trình độ của GDĐH.
Theo PGS TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. "Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động", PGS khẳng định.
Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá cao tinh thần triển khai kế hoạch của Bộ GD&ĐT và sự cần thiết ban hành khung CTĐT nhằm kiểm soát chất lượng và được quốc tế công nhận.
Ông Tác đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau. Đồng thời, cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm "hàng rào" kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai "cửa" để kiểm soát chất lượng y bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các Bộ chuẩn bị, đề xuất số lượng ngành, khối ngành, các vấn đề liên quan đến hội đồng tư vấn. Sau đó, Vụ Giáo dục đại học sẽ làm việc với từng Bộ để xây dựng hướng dẫn phù hợp, bao gồm hướng dẫn thành lập hội đồng tư vấn.