THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:38

Xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả

 

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho hay, ngoài mục đích cung cấp thông tin, đưa ra dự báo về thị trường nông sản 2-3 năm tới, Hội thảo Triển vọng nông nghiệp năm nay có thêm chủ đề mới:  định vị lại nền nông nghiệp trên thị trường nông nghiệp toàn cầu.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, trong vài năm gần đây, rau quả là sản phẩm có nhiều tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm. 
Đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường. 
"Mặt khác, sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường nội địa là một thuận lợi đáng kể của ngành rau quả so với các tiểu ngành nông nghiệp khác hiện nay", ông Anh Tuấn nói.
Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế, xét đến sự gia tăng chính sách bảo hộ trong nền kinh tế thế giới, các rào cản phi thuế trong thương mại rau quả và đặc tính thời hạn sử dụng ngắn của rau quả hàng hóa thô.

Dẫn lại một số cuộc giải cứu gần đây, ông Tuấn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt.  Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh.

Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác để khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Bàn về xu hướng phát triển nông nghiệp thời gian qua, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã có “cơn lốc" đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, đây là điều rất tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Lâu nay, chỉ có nông dân và nhà nước lọ mọ với nông nghiệp, tình trạng “giải cứu” liên tục xảy ra. Thế nhưng, hiện nhiều DN đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào DN, đây chính là lực lượng “giải cứu” nông sản. Do đó, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân”, ông Thiên nói.

Đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, thị trường rau quả Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng cho ngành rau quả Việt Nam. Các sản phẩm trái cây tươi được nước này nhập nhiều từ Việt Nam như sầu riêng, nhãn, vải, chôm chôm, chuối.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật diễn biến và đưa ra dự báo thị trường rau quả trong thời gian tới, dựa vào đó để bàn thảo các giải pháp để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả với tư cách là ngành hàng chiến lược quốc gia trong tương lai. Đồng thời, hội thảo cũng tập trung nêu ra định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư và kết nối thương mại trong ngành hàng rau quả cho các đối tác.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 4 năm 2017 ước đạt 313 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh