THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:35

Hợp tác đào tạo nghề, biến tiềm năng thành hiện thực

 

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại Hội thảo

Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam là một vùng kém phát triển thuộc khu vực ngã ba biên giới của ba nước, bao gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắck, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam). Các địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển đều ở trên cao nguyên và nằm tại khu vực biên giới của 3 nước, có nhiều nét tương đồng và điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội, trình độ phát triển.

Kể từ khi được thành lập, hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam đã phát huy vai trò là cơ chế gắn kết giữa ba nước láng giềng thân thiết, tạo sự kết nối toàn diện, đưa tới phát triển kinh tế của khu vực Tam giác phát triển và hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân của khu vực. Cơ chế hợp tác này đã khẳng định vai trò quan trọng không chỉ đối với khu vực Tam giác phát triển mà còn với cả sự phát triển chung của Campuchia, Lào và Việt Nam. Tuy khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển song chủ yếu ở dạng tiềm năng; trình độ phát triển nhìn chung còn thấp hơn so với mức độ trung bình mỗi nước, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao. Những khó khăn chính hạn chế sự phát triển là địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn do cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu vốn, trình độ nhân lực thấp.

Vì vậy, Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam lần thứ 9 ngày 23.11.2016 tại Siem Reap, Campuchia đã ra Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và phát triển toàn diện giữa các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, trong đó có phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh thuộc Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam. Sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Lào chia sẻ về đề xuất Việt Nam thành lập trung tâm tập huấn tay nghề cho người dân các tỉnh trong vùng Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý, nhấn mạnh Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia, Lào và huấn luyện cho tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH xác định chọn Kon Tum là trung tâm bởi vị trí nằm giữa khu vực. Trong đó, Bộ sẽ đầu tư xây dựng trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum nằm trong 88 trường đào tạo chất lượng cao. Theo Thứ trưởng Lê Quân, chương trình đào tạo nghề nghiệp với khu vực này cần được nghiên cứu bài bản, có lộ trình để không dàn trải; trong đó việc đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của người dân. Trước mắt, có thể thành lập liên minh một số trường cao đẳng, đại học kỹ thuật Việt Nam – Lào – Campuchia cùng hỗ trợ triển khai đề án, có vai trò điều phối từ công tác tuyển sinh, quản lý, đào tạo tiếng Việt, tiếng Anh và cả đầu ra của học sinh, sinh viên”.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận và đưa ra đặc điểm kinh tế, nền tảng xã hội của các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam, về nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động và việc làm; khả năng cung ứng của hệ thống đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng của các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển. Đặc biệt, việc đề xuất cụ thể về nhu cầu và các giải pháp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên Lào và Campuchia trong Tam giác phát triển, cụ thể về nhu cầu đào tạo, trình độ đào tạo cần được hỗ trợ, ngành nghề/ lĩnh vực nào cần được hỗ trợ đào tạo; số lượng, ngành nghề, trình độ... cụ thể cần hỗ trợ đào tạo hàng năm và trong 5 năm tới.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội thảo

Kết quả và sự thành công của Hội thảo này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị kế tiếp cũng như việc hoàn thiện Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân nhấn mạnh: “Hợp tác phát triển kỹ năng nghề cho người lao động không chỉ đáp ứng nhu cầu về tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia mà được coi là một giải pháp đáp ứng phát triển của các doanh nghiệp, phát huy cung ứng nhân lực chất lượng cao cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, tham gia vào quá trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm phát triển giảm nghèo bền vững”.  


VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh