THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:52

Người Rắk Lây làm giàu trên đất cằn

Biến đất cằn thành tiền triệu

Bao đời nay, người Rắk Lây ở xã Khánh Thành có thói quen nghỉ học sớm, lập gia đình sớm. Cao Nhâm cũng vậy, bước qua tuổi 16 đã lập gia đình. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, khó khăn chồng chất. Nhiều người cùng trang lứa của anh cũng vậy chỉ biết nhìn mảnh đất cằn sơ xác với vài cây ngô héo quắt.

Cao Nhâm nhớ lại, 6 năm trước, người dân mình chả biết khoa học-kỹ thuật hay trồng các giống cây trồng cao sản là gì. Chỉ làm theo thói quen, gieo vãi lên đồi đó được gì thì được thôi. Thế nên sản xuất không đủ ăn, thiếu trước hụt sau, ốm đau không có tiền thuốc thang. Trước tình cảnh này, Cao Nhâm trôi dạt đi làm phụ hồ. Làm cật lực cả ngày giữa trời nắng chang chang nhưng đồng tiền thu được quá ít ỏi nên trong đầu Nhâm loé lên suy nghĩ, sao không cải thiện cuộc sống trên chính những mảnh đất cằn cỗi ở quê hương mình?

Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn bạc với người thân, anh đã mạnh dạn gõ cửa Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện Khánh Vĩnh để vay 7 triệu đồng cho việc đầu tư trồng 3ha sắn (mỳ) cao sản trên mảnh đất cằn quanh năm bỏ hoang của gia đình mình. Trước khi dốc sức thực hiện ước mơ, Cao Nhâm đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Khánh Hòa học hỏi kỹ các kinh nghiệm trồng sắn cao sản. Sau khi nắm rõ phương pháp trồng, cách chăm sóc, cách trị bệnh… anh quyết định xuống giống đồng loạt.

Ngay trong năm đầu tiên, Cao Nhâm đã thu hoạch 58 tấn sắn với số tiền thu được hơn 120 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hơn 90 triệu đồng. Với quyết tâm thoát nghèo, anh lại dùng số tiền trên mua thêm 2,5 ha đất để trồng rừng sản xuất và 3 con bò sinh sản.

Trên đà phát triển, gia đình Cao Nhâm mua thêm 5ha đất cằn khác để trồng sắn cao sản đồng thời vận động nhiều người dân địa phương hãy bắt tay trồng sắn cao sản. Cao Nhâm cho biết, đặc tính của sắn cao sản là cho năng xuất cao, thích nghi với nhiều loại đất và vùng sinh thái khác nhau, chịu được các điều kiện khô hạn và có thể trồng được ở các vùng khí hậu có lượng mưa thấp nên rất phù hợp vùng đồi cằn cỗi này. Hàng chục hộ dân làm theo tôi đều thoát nghèo cả, đất lại không bị bỏ hoang.

 

                   Anh Nhâm bên đàn bò của mình

Linh hoạt sẽ giàu nhanh

Khi đã ổn định diện tích sắn cao sản và hướng dẫn cho 14 hộ khác cùng làm theo, Cao Nhâm tiếp tục mua thêm bò giống và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa phục vụ bà con đồng bào… Năm 2015, biết được cây keo mang lại kinh tế cao nên Cao Nhâm lại linh hoạt đầu tư trồng thêm 7ha keo, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, anh Nhâm phát triển thêm 1ha bưởi da xanh và trồng chuối xen canh.

Với nghị lực làm giàu, tính đến nay gia đình anh Cao Nhâm có trong tay 12ha cây keo, 1ha bưởi da xanh và 12 con bò mẹ sinh sản. Ước tính mỗi năm gia đình anh  thu nhập từ từ 130 – 180 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh cũng là một tấm gương trong công tác thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Dù là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng gia đình anh chỉ có 2 con, đứa lớn đang học lớp 6, đứa nhỏ học mẫu giáo. “Cha mẹ nó cực khổ rồi, phải phấn đấu làm ăn để lo cho con ăn học đầy đủ, cho nó có cái trình độ để sau này còn về phục vụ cho quê hương nữa. Nhiều người chửi mình sao đẻ có hai đứa, mình phải giải thích cặn kẽ cho họ hiểu, để ít để còn chăm sóc, cho học hành thật tốt”- Cao Nhâm chia sẻ.

Không những thoát nghèo cho riêng bản thân, mà hiện nay Cao Nhâm còn ký hợp đồng thuê 12 lao động trong thôn chăm sóc vườn bưởi và vườn keo cho gia đình mình. Nhâm bộc bạch: “Gia đình tôi có được như hôm nay cũng chính là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn, hướng dẫn tôi biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế nên mình phát triển rồi phải nghĩ đến đồng bào của mình nữa chứ”.

Không chỉ vận động người dân làm kinh tế, Cao Nhâm còn vận động bà con đồng bào Rắk Lây bỏ những tập tục lạc hậu, tránh xa các tệ nạn xã hội. Ông Cao Tiến sống cạnh nhà Cao Nhâm cho biết; Không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng đã hiểu ra tác hại của việc sa đà vào rượu chè, bỏ bê nương rẫy. Trước đây chúng tôi cứ giữ tư tưởng “trời sinh voi thì sinh cỏ” nên đẻ thoải mái thành ra con cái nheo nhóc, chẳng học hành đến nơi đến chốn gì cả. Giờ đây phải học theo Cao Nhâm thôi. Nó nói đúng nên mới giàu lên nhanh thế, nói đúng thì mình theo thôi. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh