THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Xả rác trên mạng - ai ngửi thối, ai hưởng lợi?

“Từ sáng đến giờ Facebook tràn ngập các tin tức về anh và con số 14 tỷ. Đi đâu cũng thấy, tờ báo mạng nào cũng đăng… Lần đầu tiên thấy mạng xã hội thật đáng sợ, họ nấp sau bàn phím, sẵn sàng quăng vào bạn những từ ngữ nặng nề, hả hê, khinh thường, thậm chí ác độc”.

Đó là đoạn trích từ một thư bạn đọc gửi về Vietnamnet nói về sự việc đang lùm xùm liên quan đến nghệ sỹ Hoài Linh.

Xin không bàn sâu vào thực chất đúng sai của việc nghệ sỹ Hoài Linh tiếp nhận khoản tiền từ thiện ủng hộ bà con miền Trung bị lũ lụt. Mà nhân thể từ vụ này cùng nhiều vụ việc om xòm trên mạng khác, đặc biệt là gần đây có bà Nguyễn Phương Hằng, vợ “đại gia” Dũng “Lò vôi” trở thành “hot” trên mạng thông qua vụ tố ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh lừa đảo rồi chuyển qua cuộc khẩu chiến khét lẹt giữa bà với nhiều nghệ sỹ được “réo” tên, xin bàn đến việc ai là những kẻ nấp sau bàn phím thực sự được lợi nhất trong các vụ người Việt Nam lôi nhau lên mạng xã hội để chửi bới này?

Xả rác trên mạng - ai ngửi thối, ai hưởng lợi? - Ảnh 1.

Sức “hút” trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vào tối 25/5

Khi cần chửi nhau, nói xấu nhau, người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nào? Ai cũng biết, nhiều nhất là trên mạng xã hội xuyên biên giới do người nước ngoài sở hữu và kinh doanh, là Facebook, Youtube. Tranh cãi, chửi nhau, nói xấu nhau trên các mạng xã hội nội địa không “đã” nên họ dùng hệ thống loa “xịn” ngoại quốc mới hả. Điều này thì phải công nhận, nó giống như lái ô tô ngoại nhập (mà lại không phải bỏ tiền mua) thì sướng hơn nhiều lái ô tô lắp ráp trong nước. Mà ai to mồm mắng mỏ, chửi bới, chửi nhiều lần, có nhiều người xúm vào nghe, xem có khi lại kiếm được… mớ tiền chửi.

Song, khác với sự sung sướng lái con xe nhập khẩu, sau sự sướng được hả hê chửi nhau miễn phí trên mạng xuyên biên giới, hàng triệu tài khoản trong nước sử dụng diễn đàn này (vào việc nói xấu nhau hay nói xấu người khác) lại đang phơi trước thiên hạ một sự dại dột thối hoắc: chửi nhau thì làm xấu mặt nhà (xã hội) mình, nhưng tiền thu được từ lượt truy cập, bấm like, share, subscribe nghe, xem chửi nhau thì người nước ngoài bỏ túi gần hết. Công nghệ mạng sinh ra hệ sinh thái tiên tiến nhưng cũng tạo ra thứ văn hóa mạng xấu xí kỳ quái.

Theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện ở Việt Nam có 110 triệu tài khoản sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới, trong đó có 60 triệu tài khoản sử dụng mạng Facebook. Người Việt Nam nghiện mạng xã hội đến mức có ngày đem đến cho Tiktok 5 tỉ lượt truy cập. Trong bài viết đăng trên Vnexpress mới đây, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết, tổng doanh thu của các báo điện tử Việt Nam mỗi năm chỉ trên 4.000 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí quảng cáo trực tuyến khoảng 14.500 tỷ đồng. Phần chênh lệch hơn 10.000 tỷ đồng đang rơi vào túi “người ngoài” là các tập đoàn xuyên biên giới.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có lần chia sẻ: Tôi thực sự thấy buồn hơn là vui khi xem chương trình giải trí của một Đài truyền hình lớn do MC nổi tiếng dẫn reo lên với khán giả, rằng ngay giờ khai mạc đã có hơn 1 triệu khán giả đang theo dõi chương trình này trên Youtube! Mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí từng phút, với cơn nghiện mạng không thể dừng của nhiều người Việt, người nước ngoài đang kiếm được rất nhiều tiền từ người dùng Việt Nam. Và với nền tảng mạng xã hội trong nước chưa phát triển, cách thức quản lý của các ngành chức năng còn nhiều bất cập, các ông lớn mạng xã hội xuyên biên giới đang thực sự bóc lột tàn nhẫn người dùng Việt Nam, chứ họ không hào phóng như chúng ta vẫn tưởng khi được sử dụng miễn phí nền tảng mạng của họ.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Vietnamplus (TTXVN) còn cho rằng đang hình thành thứ “chủ nghĩa thực dân data” (data – dữ liệu thông tin). Ông nhận xét, data là tài nguyên quan trọng nhất của thế kỷ 21, data của người Việt Nam lại đang do những nền tảng xuyên biên giới nắm giữ và khi người nắm giữ được data sẽ chi phối được thị trường. Khi sử dụng mạng xã hội có một thực tế: tin tốt đẹp, lời nói hay thì sức lan toả không thể nhanh, rộng bằng các loại tin về cái ác, cái xấu, nhất là tin tạo scandal. Câu hỏi đặt ra là, bên cạnh sự “tự sướng” của những tài khoản nói, chửi cho sướng mồm hoặc mưu đồ kiếm tiền, phải chăng có những chuyên gia “siêu đẳng” của các nhà mạng xuyên biên giới ẩn sau bàn phím kích hoạt cuộc cãi vã, chửi bới giữa người Việt với nhau để họ kiếm bộn túi? Kiếm tiền trên lượt truy cập, mức độ lan toả, tăng lượt share, subscribe bất chấp nội dung là gì, khuyến khích bằng các nút bạc, nút vàng… xét ở góc độ kỹ thuật thì rõ ràng công nghệ không có lỗi. Giống như khẩu súng, quan trọng là ai sử dụng súng.

Với sự phát triển thần tốc của mạng xã hội xuyên biên giới hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng dùng nó như một tài sản riêng, nếu người Việt chúng ta không tỉnh táo, không ý thức hết được trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm cộng đồng và cả tự trọng quốc thể thì chúng ta sẽ phạm sai lầm lớn là tự xả rác trong nhà nhưng lại có kẻ bên ngoài hưởng lợi từ những rác rưởi đó. Hãy sử dụng ưu thế tuyệt vời của mạng xã hội để làm đẹp đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới. Đừng xả rác, hãy trồng hoa trên mảnh đất mạng xã hội đầy phù sa này.


Theo tạp chí TTV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh