THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:32

Bài học không đáng có về công tác bồi thường!

 

Đất tại thôn Phúc Lập phát triển sản xuất trồng chè bị thu hồi cho dự án

Nguồn đất thật, mã số sai.

Năm 2008, UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lập đề án phát triển chè công nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc trên diện tích 500ha tại thôn Phúc Lập và đã được UBND huyện Kỳ Anh phê duyệt.  Ngày 18/9/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2939 về việc thu hồi đất, thu hồi rừng và giao rừng, giao rừng để quản lý. Quyết định thu hồi 397ha đất và 2,4 ha rừng tự nhiên ở thôn Phúc Lập  để quy hoạch phát triển kinh tế trồng chè.

Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện đề án, các hộ dân ở đây nhận được sự hỗ trợ 100% theo chương trình 135 và theo Quyết định 23 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, bà con còn được Xí nghiệp Chè 12/9 hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và nhận bao tiêu đầu ra. Nhờ đó, 30 ha chè  trồng đợt đầu ở đây đã phát triển rất nhanh. Tính theo thời giá hiện nay, 1ha cho thu nhập tới trên 140 triệu đồng.

Quyết định của UBND tỉnh thu hồi 397 ha đất giao cho xã làm kinh tế vườn đồi

Đến năm 2011, tỉnh Hà Tĩnh lại có chủ trương xây dựng đập chứa nước Rào Trổ để phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng  và tưới tiêu. Dự án ảnh hưởng tới 1.900 ha diện tích đất trên địa bàn xã Kỳ Thượng, trong đó chiếm gọn cả khu vực đã giao cho xã. Vì vậy, ngày 6/6 /2011, UBND xã Kỳ Thượng đã có thông báo số 21 về việc cấm cơi nới các công trình xây dựng và trồng cây  lưu niên trong phạm vi dự án.

Để dự án thực hiện đúng với tiến độ đề ra, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư (HĐBTGPMB hỗ trợ TĐC) huyện Kỳ Anh đã hợp đồng với Công ty TNHH Hồng Linh, có trụ sở tại Ninh Bình đo đạc, kiểm đếm và tiến hành bồi thường cho các tổ chức và nhân dân theo quy định.

Tuy vậy, Công ty TNHH Hồng Linh đã mắc phải một sự nhầm lẫn đáng tiếc khi đánh dấu sai mã số đất, dẫn đến việc gây ra những hồ nghi đối với người dân. Cụ thể, tổng diện tích bị nhầm mã số gồm: 39,5 ha đất sản xuất của xã, trong đó có 19,8ha tại vùng Rai và Cha Mè thôn Phúc Lập (thuộc đề án trồng chè); 19,7ha tại vùng Khe Líu và Bãi Vàng thôn Phúc Thành 2 (đất trồng cao su). Lẽ ra  tất cả 39,5ha trên được đánh mã số BHK (đất sản xuất) nhưng bị đánh nhầm thành mã số BCS (đất hoang).

Đất sản xuất tại thôn Phúc Lập được thu hồi giao cho dự án

Tài chính, công an vào cuộc

Sau khi phát hiện thấy sai sót, nhưng lúc đó hồ sơ đã chuyển về Sở TNMT, nên HĐBTGPMB hỗ trợ TĐC huyện Kỳ Anh đã đề nghị Sở TNMT chỉnh sửa lại để xã Kỳ Thượng được nhận khoản bồi thường chính đáng.

Không hiểu lý do vì sao Sở TNMT lại chần chừ trong việc này? Nhưng để đảm bảo đúng thời hạn và trên hết là dựa vào thực tế, ngày 6/92013, HĐBTGPMBHTTĐC huyện Kỳ Anh đã quyết định chi trả cho xã Kỳ Thượng: 2.330.880.000 đồng (hơn 2,3 tỷ) tiền bồi thường 19,8ha đất sản xuất tại thôn Phúc Lập; và ngày 26/12/2013 chi trả tiếp: 2.537.000.000 đồng ( hơn 2,5 tỷ đồng) tiền bồi thường 19,7ha đất bị Công ty Cao su trồng lấn tại thôn Phúc Thành 2.

Biên bản kiểm tra của Thanh tra Sở Tài chính

 Để làm sáng tỏ và mã số đất bồi thường trước hết căn cứ vào Quyết định 2939 năm 2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi 397 ha đất thôn Phúc Lập giao cho xã sản xuất phát triển kinh tế vườn đồi là quá rõ. Về khoản sử dụng nguồn tiền bồi thường và ngân sách như thế nào? Thanh tra Sở Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra theo QĐ 2842 của Sở Tài chính Hà Tĩnh, và có văn bản kết luận vào ngày 07/01/2014.

Kết luận cho thấy: Số tiền bồi thường được xã Kỳ Thượng sử dụng vào các việc xây mới nhà làm việc UBND kiêm hội trường; xây dựng trường tiểu học; trả nợ công trình cũ; chi thanh toán duy tu bảo dưỡng nhà văn phòng trường tiểu học; chi thanh toán tường, cổng và sân UBND xã và số tiền còn lại chưa sử dụng (sau đó được đưa vào chi trả khoản khác). Đồng thời khẳng định: UBND xã Kỳ Thượng sử dụng đúng mục đích nguồn tiền mà HĐBTGPMB hỗ trợ TĐC huyện Kỳ Anh chi trả cho xã.

Biên bản kiểm tra của Phòng cảnh sát Kinh tế CA Hà Tĩnh

Tiếp đến, Phòng Cảnh sát Kinh tế ( PC 46) Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã vào cuộc. Và ngày 13/11/2014, đã có văn bản ghi rõ các khoản chi tiêu hợp lý trong tổng số tiền: 7.718.800.000 ( trên 7,7 tỷ đồng), trong đó số tiền nhận bồi thường được chi trả chi tiết và dư tại kho bạc gần 39 triệu đồng.

Dựa theo điều tra và những chứng cứ thu thập được có thể cho thấy, hiện tại việc nhận tiền bồi thường và sử dụng nguồn vốn của UBND xã Kỳ Thượng chưa có dấu hiệu sai phạm. Tuy vậy, đây là bài học đắt giá trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra nhiều nơi tại huyện Kỳ Anh. 

Thành Sen

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh