Xã Cư Pui lao đao vì bệnh viêm da nổi cục ở bò
- Dược liệu
- 01:12 - 19/08/2021
Bệnh viêm da nổi cục ở bò bắt đầu xuất hiện ở xã Cư Pui từ ngày 3/8 tại đàn bò của gia đình ông Y Det Byă ở buôn Blăk với biểu hiện sốt cao, nổi sần trên da. Cán bộ Thú y xã báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đến ngày 5/8 có kết quả kết luận bò của gia đình ông Y Det Byă bị bệnh Viêm da nổi cục. Trong thời gian đó, 13 thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Pui đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên bà con không có điều kiện chăm sóc, chữa trị cho đàn gia súc, dẫn đến 2 con bò của gia đình ông Hầu Văn Dia và gia đình ông Mua Súa Lùng ở thôn Ea Uôl bị chết phải tiêu huỷ, gây thiệt hại 20 triệu đồng. Đây cũng là hai hộ thuộc diện nghèo của xã.
Anh Y Nghị Mlô ở buôn Khóa kể, từ khi buôn Khóa có ổ dịch Covid-19 bùng phát, gia đình anh có người nhiễm F0, bản thân anh thuộc diện F1, cả buôn bị phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 16 (từ ngày 23/7 đến 16/8). Trong thời gian đó biết đàn bò bị nhiễm bệnh nhưng anh không thể ra ngoài mua thuốc chữa trị, sau 2 tuần bò đã nổi cục và lở loét khắp người. Cán bộ Thú y xã đã đến tiêm vaccine, hướng dẫn anh cách chăm sóc, điều trị cho bò, tuy nhiên vẫn chưa khỏi. Gia đình Chị H'Yên Mlô ở buôn Khanh đứng ngồi không yên, vì 5 con bò của gia đình chị cũng bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Tài sản duy nhất của gia đình chị là 5 con bò này, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuần qua, chị đã nhờ cán bộ Thú y xã đến tiêm phòng vaccine và hướng dẫn cách điều trị cho bò, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. "Trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gia đình đang gặp khó khăn về lương thực giờ đàn bò bị nhiễm bệnh, tôi không biết làm gì để lấy tiền mua thuốc, vaccine chữa trị cho bò, mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, giúp gia đình tôi và bà con trong xã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống"- chị H' Yên Mlô than thở.
"Toàn xã Cư Pui có 2.299 con bò, hiện có 151 con đã bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục, 2 con bị chết phải mang đi tiêu hủy. Điều đáng nói, trong tổng số hơn 1.000 hộ chăn nuôi bò ở địa phương thì có 700 hộ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ chăn nuôi đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chăn nuôi theo hình thức thả rông, trong khi đó giá vaccine tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục quá cao (một lọ vaccine có giá 1,5 triệu đồng, mỗi lọ tiêm được 24 liều, tính bình quân mỗi mũi tiêm 50.000 đ/1liều) nên người dân không có điều kiện để mua. Đa số đàn bò đều chưa được tiêm phòng vaccine rộng rãi, tỉ lệ tiêm phòng thấp (dưới 2%). Xã chưa có vaccine để hỗ trợ cho người dân tiêm phòng do đó nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, các loại véc-tơ truyền bệnh như (ruồi, muỗi, ve mòng…) đang trong mùa sinh sản và phát triển" - bà Nguyễn Thị Chính, cán bộ Thú y xã Cư Pui chia sẻ.
Ông Nguyễn văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, trước dịch bệnh ở đàn gia súc đang diễn biến phức tạp, xã Cư Pui đã thông báo tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò trên hệ thống loa truyền thanh xã, hướng dẫn cho người dân cách phòng và điều trị bệnh. UBND xã đã gửi thông báo đến từng thôn, buôn, yêu cầu người chăn nuôi không thả rông trâu, bò trên đồng ruộng, tránh tình trạng lây lan trên diện rộng. Đối với trâu, bò bị nhiễm bệnh không được giết mổ mà phải thực hiện nghiêm việc tiêu hủy; thực hiện việc cách ly chuồng trại đối với con bò bị bệnh để chăm sóc, điều trị. Vận động các hộ chăn nuôi chủ động trong công tác tiêm phòng. UBND xã cũng đã đề nghị huyện Krông Bông xem xét hỗ trợ cho xã 2.300 liều vaccine để tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục đối với đàn gia súc chưa bị bệnh, đồng thời hỗ trợ nguồn hóa chất, thuốc thú y để khử khuẩn và điều trị cho những con bò đang bị bệnh, nhằm giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông, toàn huyện có trên 35.000 con trâu, bò. Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã xảy ra từ tháng 6. Tính đến ngày 17/8 dịch bệnh đã lan rộng ra 11 xã, thị trấn ( Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Phong, Yang Réh, Dang Kang, Ea Trul, Hòa Tân, thị trấn Krông Kmar, Cư Pui và Yang Mao). Ông Y Thức Ê Ban, Phó chủ tịch huyện Krông Bông cho biết, trước tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ gia đình, kịp thời phát hiện xử lý nhanh ổ dịch, tránh để dịch lây lan và phát tán trên diện rộng. Hiện tại nguồn vaccine hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa có nên nguy cơ dịch bệnh, bùng phát và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Huyện đã vận động các hộ chăn nuôi tự tiêm vaccine dịch vụ được 12.225 liều phòng bệnh cho đàn gia súc; Đồng thời đề nghị tỉnh sớm phân bố về cho huyện 20.000 liều và 58 lít hóa chất diệt côn trùng để tiêm phòng cho đàn gia súc, qua đó giúp địa phương kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.