CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:46

Quảng Bình: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 28/6, dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại 6.205 hộ/308 thôn/125 xã/8 huyện, thị xã, thành phố làm 8.740 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.194 con bò chết do bệnh. Các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Bình đã phun 9.727 lít hóa chất và rải 129.540kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.

Quảng Bình: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế - Ảnh 1.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, số lượng trâu, bò được chữa lành bệnh ngày càng tăng, hiện có 5.756 con đã được chữa lành bệnh.

Cụ thể: Tỷ lệ chữa lành bệnh tại TP. Đồng Hới 98%, TX. Ba Đồn 87%, Bố Trạch 85%, Quảng Ninh 60%, Lệ Thủy 59%… Hiện tại, xã Hải Ninh (Quảng Ninh), xã Bảo Ninh, Nghĩa Ninh, Thuận Đức và phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), xã Quảng Văn và phường Quảng Long (TX. Ba Đồn) đã công bố hết dịch VDNC trên trâu, bò.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin nên tỉnh đã cơ bản khoanh vùng, khống chế được các ổ dịch VDNC trên trâu, bò. Nhất là ở các địa phương tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn…Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêm 77.405/80.300 liều vắc xin bệnh VDNC (chiếm tỷ lệ 96,4%), các huyện còn lại đang gấp rút hoàn thành việc tiêm vắc xin.

Sau khi hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò đợt 2, UBND huyện Lệ Thủy đã có tờ trình đăng ký thêm 3.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã báo cáo Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn chưa được tiêm phòng để đăng ký thêm vắc-xin và tổ chức tiêm phòng triệt để.

Đặc biệt, trong quá trình tiêm phòng cho đàn gia súc, đề nghị các địa phương quản lý, theo dõi chặt chẽ trâu, bò sau khi tiêm phòng, không để tiếp xúc với các đối tượng đã bị nhiễm bệnh vì khi hoàn thành tiêm vắc-xin thì 28-30 ngày sau gia súc mới có kháng thể kháng vi-rút VDNC.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh