World Cup còn 32 đội có phải dấu chấm hết cho giấc mơ Việt Nam?
- Văn hóa - Giải trí
- 13:09 - 24/05/2019
World Cup 2022 trở về 32 đội khiến cơ hội của đội tuyển Việt Nam gần như không còn.
Hết rồi giấc mơ World Cup. Đó có lẽ là suy nghĩ của rất nhiều người sau thông báo chính thức từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) liên quan tới World Cup 2022 tổ chức tại Qatar. Cụ thể, giải đấu sẽ duy trì số lượng đội tham dự 32 chứ không mở rộng lên 48 như thông tin gần đây.
Nhưng đó có thật là dấu chấm hết cho bóng đá Việt Nam?
Mong manh cơ hội đến Qatar
Khi thông báo từ FIFA được phát đi, có thể ngay lập tức khẳng định: cơ hội đến Qatar của bóng đá Việt Nam gần như không còn.
7 lần dự vòng loại World Cup từ năm 1994 tới nay, bóng đá Việt Nam chưa từng vượt qua vòng loại thứ hai. Asian Cup 2019 vừa qua, Việt Nam vào tới tứ kết (tốp 8) đã được xem là kỳ tích.
Tính toán ban đầu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo là đưa đội tuyển vượt qua vòng loại thứ 2, góp mặt tại nhóm 12 đội mạnh ở vòng loại thứ 3. Khi ấy, với 8,5 suất châu Á của World Cup 48 đội, với thực lực hiện tại của tuyển Việt Nam, cơ hội sẽ xuất hiện.
Nhưng nay thì cơ hội ấy đã biến mất.
World Cup trở về 32 đội đồng nghĩa châu Á duy trì 4,5 suất. Nghĩa là chỉ một nhóm cực nhỏ các nền bóng đá mạnh nhất châu lục được tham dự. Đó đều là các đội tuyển hàng đầu, có phần lớn đội hình chơi bóng ở châu Âu, là khách quen của các kỳ Cúp thế giới.
Ngay cả ở đỉnh cao phong độ, tuyển Việt Nam cũng chưa từng gây được khó khăn cho họ. Thất bại 0-2 trước Iran và 0-1 trước Nhật Bản tại Asian Cup là bằng chứng cho khoảng cách giữa Việt Nam và “nhóm 4,5”.
Vòng loại World Cup 2022 sẽ khởi tranh vào tháng 9. Kỳ vọng sự tiến bộ thần tốc, kỳ vọng việc rút ngắn khoảng cách với các siêu cường này chỉ trong vài tháng là bất khả thi.
Khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và nhóm đầu châu lục còn khá xa.
Nhưng đó không phải là kết thúc
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở các đối thủ. Bởi World Cup 2022 cũng chưa phải thời cơ chín muồi của bóng đá Việt Nam.
Nếu đặt Qatar làm đích ngắm, chúng ta sẽ dự vòng loại World Cup khi “thế hệ vàng 1997” vẫn còn trong tuổi đôi mươi. Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... xuất sắc nhưng đều chưa đi tới tận cùng tiềm năng của họ. Nhiều người chưa được đá chính ở CLB, thậm chí còn đủ tuổi dự giải trẻ U23 châu Á vào năm sau. Bắt họ chiến đấu và chiến thắng tại vòng loại World Cup 2022 là quá vội vã.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu là Bắc Mỹ 2026, tính khả thi của đề án sẽ lập tức tăng lên.
Vòng loại World Cup 2026 sẽ bắt đầu vào năm 2023. Khi ấy, lứa 1997 của Quang Hải 26 tuổi, lứa 1995 của Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường 28 tuổi, lứa 1996 của Đỗ Duy Mạnh, Phan Văn Đức 27 tuổi. Với độ tuổi trung bình 27, họ đang ở thời khắc đẹp nhất, đỉnh cao nhất trong sự nghiệp.
World Cup 2026, bóng đá Việt Nam vẫn giữ được “thế hệ vàng” hiện tại của Quang Hải, Xuân Trường.
World Cup 2026 cũng là “thời điểm vàng” mà những nhà chiến lược của PVF, lò đào tạo hiện đại nhất Việt Nam, từng nhắc tới. Cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản, người hiện là Giám đốc PVF Philippe Troussier từng nói: “Tôi nhận lời tới PVF sau buổi gặp mặt chính thức với các thành viên PVF. Tôi cho rằng họ đã đặt ra một thách thức khá thú vị. Tôi tìm được tiếng nói chung với họ và cho rằng việc tuyển Việt Nam có tên thi đấu ở hai kỳ Olympic Paris 2024 và vòng chung kết World Cup 2026 là những dự án đầy hứa hẹn”.
“Chúng tôi đang nâng cao kỹ năng cho từng lứa cầu thủ 9-11 tuổi, 14-15 tuổi, 18-19 tuổi và 21 tuổi. Họ sẽ là những cầu thủ tốt nhất của đội tuyển Việt Nam dự Thế vận hội tại Paris năm 2024 và World Cup 2026”, ông Troussier nhấn mạnh.
Ra đời từ năm 2007, lò đào tạo ở Hưng Yên sẽ mang tới nguồn bổ sung quan trọng cho tuyển Việt Nam trước chiến dịch World Cup 2026. Và họ không phải cái tên duy nhất.
12 năm về trước, việc hợp tác với Arseal và Học viện JMG đã giúp HAGL tạo ra lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... Bây giờ thì mô hình hợp tác nước ngoài ấy đã nở rộ ở Việt Nam. TP.HCM hợp tác cùng Lyon, CLB Phù Đổng hợp tác với Matsumoto Yamaga, còn PVF đem về cả công thức lẫn con người từ Manchester United.
Bản thân HLV Park Hang-seo cũng không đặt mục tiêu tuyển Việt Nam phải dự World Cup 2022 ngay lập tức.
Nếu mọi thứ đi đúng lộ trình, tuyển Việt Nam không chỉ giữ được “thế hệ vàng” của Quang Hải, Văn Hậu, chúng ta còn được bổ sung thêm những tài năng mới trước thềm World Cup 2026.
Chiến lược của VFF cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều khi World Cup 2022 quay về với 32 đội. Bởi mục tiêu ban đầu của HLV Park Hang-seo chỉ là tiến xa hết cỡ có thể tại vòng loại 2022. Một kỳ World Cup 32 đội, vì thế, có thể xem như cơ hội tổng duyệt cho đội tuyển Việt Nam.
Thay vì phan phiền, đó là dịp để nền bóng đá tạo ra những Quang Hải mới, chuẩn bị đưa về những Park Hang-seo mới. Để khi lứa Quang Hải đạt độ chín, khi lứa đàn em kịp bổ sung thêm, khi thể thức World Cup 2026 nâng lên 48 đội, đó cũng là lúc tuyển Việt Nam nói 2 tiếng “sẵn sàng”.
Với bóng đá Việt Nam, giấc mơ World Cup vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ là chậm lại 4 năm thôi.